Sử dụng nguồn vốn nào để xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 là tùy thuộc vào tính toán của đơn vị tư vấn trong báo cáo nghiên cứu khả thi.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM (HASCON) cho biết như vậy khi trao đổi với Đất Việt về vấn đề xây dựng cầu Rạch Miễu 2.
PV: Sau khi Ban Quản lý dự án 7 đề xuất đầu tư xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 (bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng) bằng nguồn vốn ODA, Bộ GTVT quyết định trình Chính phủ và kiến nghị chấp thuận phương án này.
Ông bình luận như thế nào về thông tin trên? Theo ông, đặt trong bối cảnh giao thông ĐBSCL, tính cấp thiết của việc đầu tư dự án này ra sao?
TS Nguyễn Bách Phúc: - Câu hỏi trên là vấn đề đầu tiên phải trả lời trước khi tính đến chuyện đầu tư một công trình nào đó, và câu trả lời nằm trong Báo cáo nghiên cứu khả thi do Chủ đầu tư thuê công ty tư vấn thực hiện.
Để thuê công ty tư vấn, chủ đầu tư phải trả một số tiền khá lớn, khoảng 4/1.000 giá trị của công trình. Với dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng như cầu Rạch Miễu 2, tính toán sơ bộ, chủ đầu tư phải trả khoảng hơn 20 tỷ đồng để tư vấn làm Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Công ty tư vấn là đơn vị lớn có đầy đủ thiết bị, tư liệu kinh tế kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm để làm nhiệm vụ tư vấn. Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn không phải nói dăm câu ba điều, mà đó là một công trình nghiên cứu của một đơn vị có pháp nhân tư vấn, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình, và được trả tiền bởi chủ đầu tư.
Báo cáo sẽ chỉ ra công trình ấy có đáng làm hay không, có cần thiết hay không, tốn bao nhiêu tiền, vốn lấy ở đâu, vốn nào có lợi và đặc biệt là hiệu quả kinh tế ra sao.
TS Nguyễn Bách Phúc |
Riêng về tính cấp thiết của dự án, nếu bây giờ đưa vấn đề trên ra hỏi giới khoa học, công luận, xã hội hay giới chính trị, họ không phải là người có thể tính toán như công ty tư vấn được. Nếu họ trả lời thì chẳng qua chỉ là phỏng đoán theo suy nghĩ chủ quan cá nhân họ mà thôi.
Báo cáo nghiên cứu khả thi này phải được nghiên cứu tính toán nghiêm túc, với đầy đủ thông tin toàn diện tác động đối với kinh tế, xã hội của công trình và nhiều vấn đề khác có liên quan.
Tư vấn phải căn cứ tất cả các điều kiện kinh tế, xã hội, nhu cầu của các vấn đề có liên quan, từ đó tính ra chỉ tiêu gọi là “Tỷ suất nội hoàn kinh tế EIRR”. Chỉ tiêu này bao trùm lên tất cả, nếu đạt khoảng 10-12% thì công trình đó có hiệu quả kinh tế tốt và nên đầu tư. Còn nếu chỉ tiêu đó thấp hơn tỷ lệ trên thì không nên đầu tư.
Nhân chuyện này, tôi muốn nhắc lại chuyện sân bay Long Thành. Với dự án này không chỉ có Báo cáo nghiên cứu khả thi mà còn phải có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành là hơn 16 tỷ USD, thì nhà nước phải chi khoảng trên 80 triệu USD để thuê tư vấn Nhật làm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Tôi được Quốc hội gửi cho Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, và nhờ đó tôi là người phản biện quyết liệt Báo cáo này, chỉ ra 8 điểm bất cập của Báo cáo, trong đó có một bất cập rất lớn là tính kinh tế (chỉ tiêu EIRR - PV) đã bị tính sai hoàn toàn. Tư vấn đã đưa ra con số tới hơn 22% trong khi cả thế giới đã tính toán rằng một công trình có EIRR đạt 12% đã là cao lắm rồi. Riêng theo tính toán sơ bộ của tôi từ những thông tin của dự án, con số trên chỉ được chừng 1-2%.
PV: - Vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thu hút và sử dụng vốn ODA trước nay hiệu quả chưa cao, chi phí vốn vay thực tế không hoàn toàn rẻ, nhất là khi lãi suất đang tăng dần. Thậm chí, Bộ KHĐT từng cảnh báo nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ, có thể rơi vào bẫy ODA và vay ưu đãi khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.
Từ những lo ngại này, theo ông, việc vay ODA để đầu tư cầu Rạch Miễu 2 nên được cân nhắc như thế nào? Nên hay không nên đầu tư cầu Rạch Miễu bằng vốn vay ODA?
TS Nguyễn Bách Phúc: - Chọn nguồn vốn đầu tư nào - vốn ODA, vốn ngân sách hay xã hội hóa, không phải do một ông bộ trưởng, một ông chủ tịch UBND tỉnh, hay một nhà khoa học, nhà kinh tế nào đó quyết định được, những cá nhân ấy chỉ hiểu được một khía cạnh nào đó mà thôi.
Mọi cái đều có hai mặt, không có cái nào tuyệt đối. Dùng nguồn vốn nào là bài toán kinh tế mà Báo cáo nghiên cứu khả thi phải chỉ ra, ngoài chỉ tiêu EIRR Báo cáo còn phải có mục sắp xếp vốn. Tư vấn phải nói cho chủ đầu tư biết để làm công trình này thì nên kiếm vốn ở đâu và việc này phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chủ đầu tư. Đây là một bài toán kinh tế, trên cơ sở so sánh các phương án mà đưa ra kết luận: trong điều kiện cụ thể của công trình này thì chọn nguồn vốn nào là tối ưu, hợp lý nhất.
Như vậy, chuyện này phải tập trung trong Báo cáo nghiên cứu khả thi. Báo cáo đó phải hết sức khoa học, tuân thủ khoa học kinh tế, tuân thủ khoa học công nghệ, phải công bằng, chính xác, không thiên vị, không vì ý riêng nào, nhờ thế mới có thể đưa ra kết luận hợp lý.