TP Hồ Chí Minh chốt chặn cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh có dịch tả lợn châu Phi
Sau khi hai tỉnh giáp ranh là Đồng Nai và Bình Dương công bố dịch tả lợn châu Phi, TP Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm soát, thành lập thêm hàng loạt trạm chốt chặn ở các khu vực cửa ngõ nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, Thành phố chưa phát hiện các trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập vào đàn lợn là rất cao. Trước đó, hai tỉnh giáp ranh chuyên cung cấp thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh là Bình Dương và Đồng Nai đã công bố dịch. Hiện chỉ còn tỉnh Long An và Tây Ninh là chưa có dịch tả lợn châu Phi. Điều này khiến các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh buộc phải tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lương thực phẩm khi nhập về Thành phố.
Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Dương đã thiết lập kênh trao đổi cập nhật thường xuyên diễn biến dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi để phối hợp kiểm soát nguồn lợn nhập về Thành phố phải được giết mổ đúng quy định.
Đối với tỉnh Đồng Nai, tuyến đường vận chuyển lợn từ Đồng Nai xuất về Thành phố giết mổ chỉ được đi qua 2 tuyến đường là quốc lộ 1A và 1K. Khi vận chuyển phải trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp. Trừ các trường hợp xuất lợn về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nếu chủ hàng có nhu cầu đi tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch tại Đồng Nai, Bình Dương; tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng giáp sát có xuất nguồn thịt lợn về thành phố tiêu thụ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với Cục Quản lý thị trường thành phố và Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, thống nhất tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 tại khu vực tuyến Cao tốc Long Thành – Dầu Giây – TP Hồ Chí Minh, phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông Cát Lái khảo sát địa điểm bố trí chốt kiểm dịch tạm thời khu vực này.
Đối với nguồn từ tỉnh Bình Dương, tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Phú Cường và cầu Bến Súc giáp ranh với tỉnh Bình Dương. Riêng tuyến quốc lộ 22 sẽ do Đoàn liên ngành phòng chống dịch số 1 của Thành phố đảm trách. UBND quận 12 cũng thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khu vực cầu Phú Long giáp ranh với tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, các đơn vị, cơ quan tại TP Hồ Chí Minh cũng thành lập các đoàn công tác, tăng cường kiểm tra lưu động khu vực giáp ranh cầu Tân Thái giáp ranh với tỉnh Long An và các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Tây Ninh.
TP.HCM: Thành lập hội đồng thẩm định điều chỉnh 2 dự án metro
UBND TP.HCM vừa ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) điều chỉnh Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Dự án Số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo đó, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM làm chủ tịch HĐTĐ, thành viên Hội đồng là đại diện cho các sở, ngành, địa phương. Mỗi thành viên chịu trách nhiệm chính về nội dung thẩm định thuộc chuyên ngành, lĩnh vực do đơn vị mình quản lý.
Trong đó, Sở GTVT có ý kiến thẩm định về các nội dung chuyên ngành GTVT và các vấn đề khác có liên quan; tổng hợp chung về kết quả thẩm định dự án đầu tư, báo cáo, trình UBND Thành phố, chịu trách nhiệm chính bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng của các dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định về tính pháp lý triển khai dự án; sự cần thiết đầu tư và quy mô đầu tư; các yếu tố đảm bảo tính khả thi của dự án, các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án điều chỉnh bao gồm tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện dự án và khả năng huy động vốn theo tiến độ.
Sở Tài chính có ý kiến thẩm định các yếu tố đầu vào của dự án như nguồn vốn; các chỉ tiêu tài chính; điều kiện được vay lại của thành phố; khả năng hoàn trả vốn vay và các vấn đề khác có liên quan.
Tăng tần suất xe bus nhanh BRT trong giờ cao điểm
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ tăng tần suất tuyến xe bus nhanh BRT 01 Yên Nghĩa - Kim Mã vào các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Việc tăng tần suất tuyến bus BRT nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, đặc biệt là trong giờ cao điểm, có những ngày lên đến 120 hành khách/lượt.
Cùng với việc điều chỉnh các chỉ tiêu vận hành của tuyến xe bus BRT 01, Tổng công ty Transerco cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết về nhân lực, phương tiện, tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm quá trình vận hành được thông suốt và an toàn.
Hà Nội “thúc” thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng năm 2019
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các huyện, thị xã cũng như các tổng công ty, công ty trực thuộc về việc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng năm 2019.
Tại Văn bản, UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng lộ trình đấu thầu qua mạng năm 2018 nghiêm túc kiểm điểm theo yêu cầu tại Văn bản số 1196/UBND-KH&ĐT ngày 26/3/2019 của UBND Thành phố; thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố về công tác đấu thầu qua mạng. Đồng thời, thực hiện tỷ lệ tối thiểu đấu thầu qua mạng năm 2019 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ. Cụ thể, tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.
Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm xác định tỷ lệ đấu thầu qua mạng theo lộ trình khi phân chia gói thầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị thẩm định có trách nhiệm khi thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải chủ động đề xuất áp dụng đấu thầu qua mạng theo đúng tỷ lệ tối thiểu theo quy định nêu trên.
Các cơ quan, đơn vị báo cáo (6 tháng và cả năm) kết quả thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. Căn cứ kết quả tổng kết việc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng hàng năm theo kế hoạch, UBND Thành phố sẽ có đánh giá về việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị.
Yêu cầu trên của UBND TP. Hà Nội đưa ra nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2157/VPCP-CN ngày 20/3/2019 của Văn phòng Chính phủ về tình trạng chậm tiến độ triển khai đấu thầu qua mạng do Báo Đấu thầu phản ánh trước đó.
Liên danh nhà đầu tư trúng dự án khu đô thị 181 tỷ tại Thái Nguyên
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị sân vận động trung tâm huyện Đại Từ. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án trên là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng NaLiCo và Công ty CP Đầu tư Hùng Thắng.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 181 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự kiến là 75,7 tỷ đồng; chi phí xây dựng phần nhà ở dự kiến là 75,3 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 30 tỷ đồng; giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước tối thiểu là 0,3 tỷ đồng.
Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Đại Từ cho biết, dự án sẽ xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhà ở theo đúng quy hoạch được duyệt được. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 - 2021.
Theo PV(tổng hợp)
Ban Biên tập Công Ty Cổ Phần Định Giá Và Tư Vấn Đầu Tư Quốc Tế