Hội đồng thẩm định giá đất do lãnh đạo UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm chủ tịch và không được ủy quyền; mở rộng thành phần Hội đồng có sự tham gia của đại diện HĐND, chuyên gia để khách quan hơn trong quyết định giá đất. Đây là một trong những dự kiến sửa đổi Luật Đất đai được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến ĐBQH.
Chưa theo kịp sự phát triển
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1.7.2014. Sau gần 5 năm thực hiện luật, “công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến nhìn nhận.
Theo đó, hệ thống pháp luật về đất đai đã được ban hành đồng bộ, kịp thời, cụ thể hóa cơ bản các chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý và sử dụng đất đai. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất dần đi vào nền nếp; đã bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định chặt chẽ, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người có đất thu hồi...
Các đại biểu trao đổi bên hành lang hội thảo Ảnh: Khánh Duy
Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý đất đai thừa nhận vẫn còn những bất cập trong quá trình triển khai Luật Đất đai 2013. Chẳng hạn, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai; pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện... “Một số nội dung quy định của Luật Đất đai chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay; một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có quy định điều chỉnh”, ông Khuyến cho biết.
Mở rộng hạn điền
Theo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019 vừa được QH thông qua, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình QH cho ý kiến vào Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020). Việc đề ra định hướng sửa đổi Luật đóng vai trò là “kim chỉ nam” để bảo đảm khi được ban hành, Luật sẽ khắc phục được những bất cập hiện hành, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 sẽ tập trung vào 8 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sẽ đổi mới nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp để bảo đảm tính ổn định và đồng bộ, quy hoạch có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”. Theo đó, bảo vệ nghiêm ngặt các loại đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; giữ ổn định các loại đất cần giữ ổn định, như đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu kinh tế, đất khu đô thị…; được phép chuyển mục đích đối với đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất khác.
Thứ hai, thiết lập cơ sở dữ liệu giá đất thị trường tin cậy thông qua bổ sung quy định về việc đăng ký giá đất cũng như quy định về quyền mua trước của Nhà nước để từng bước khuyến khích người dân đưa giá giao dịch thực vào hợp đồng mua bán đất… Thực hiện phân cấp và giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong một số trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Hội đồng thẩm định giá đất do lãnh đạo UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm chủ tịch và không được ủy quyền; mở rộng thành phần Hội đồng có sự tham gia của đại diện HĐND, chuyên gia xác định giá đất để khách quan hơn trong công tác quyết định giá đất cụ thể.
Đặc biệt, liên quan đến các dự án xây dựng - chuyển giao (BT), sẽ sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai theo hướng giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; dự án phát triển nhà ở thương mại; dự án thương mại, dịch vụ; giao đất ở đô thị và nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về giao đất, cho thuê đất theo hướng phải thẩm định, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng đất trước khi giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn do QH quyết định, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án có quy mô sử dụng đất lớn…
Thứ tư, về thu hồi đất, thể chế nội dung Kết luận số 36-KL/TW về “nghiên cứu quy định việc Nhà nước tham gia hỗ trợ thu hồi đất khi nhà đầu tư đã tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng được cơ bản diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch”.
Thứ năm, về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai, sửa đổi theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân tùy từng vùng và giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định cho phù hợp; đối với các loại đất nông nghiệp khác thì giữ như quy định của pháp luật về đất đai hiện hành...
Thứ sáu, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những bất cập trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi; bảo đảm hài hòa quyền lợi cho người có đất thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư.
Thứ bảy, về việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel…), bổ sung quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng để thống nhất trong việc áp dụng và triển khai thực hiện theo hướng: Đất sử dụng để xây dựng các công trình bất động sản nghỉ dưỡng là đất thương mại, dịch vụ; thời hạn sử dụng đất theo thời hạn dự án đầu tư (50 - 70 năm)…
Ngoài ra, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp…
Theo Đan Thanh - http://www.daibieunhandan.vn
Ban Biên tập Công Ty Cổ Phần Định Giá Và Tư Vấn Đầu Tư Quốc Tế