Đây là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến.
Ảnh minh họa.
Đương sự không hợp tác, Chấp hành viên được quyền xử lý
Bộ Tư pháp cho biết, một trong những vướng mắc hiện nay là việc người phải thi hành án (đặc biệt là các doanh nghiệp) không hợp tác, cố tình chống đối, cản trở việc thẩm định giá, bán đấu giá, kiểm tra hiện trạng tài sản. Điều này đã dẫn đến khó khăn trong việc xử lý tài sản để thi hành án. Có vụ việc vì vướng mắc đó mà việc giải quyết kéo dài, gây ra khiếu nại, tố cáo bức xúc.
Về nội dung này, Ban soạn thảo cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự thì một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án là: Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
Như vậy, ngoài “kê biên” thì “xử lý tài sản” thi hành án bao gồm cả việc thẩm định giá, bán đấu giá, kiểm tra hiện trạng tài sản và giao tài sản thi hành án cũng là thuộc biện pháp cưỡng chế thi hành án này.
Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm nội dung: Trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không hợp tác để thẩm định giá, bán đấu giá, kiểm tra hiện trạng, giao tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói, buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao bảo quản tài sản cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tình trạng sau khi phải phá khóa, mở khóa đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng để kê biên nhưng đương sự vắng mặt (hoặc cố tình bỏ đi), không có ai nhận bảo quản tài sản. Các tài sản này thường ở miền núi, xa xôi, hẻo lánh, giá trị tài sản thấp nên việc thuê tổ chức bảo quản chuyên nghiệp là không khả thi (việc này không có nhiều nhưng đây là vướng mắc trên thực tế).
Để giải quyết vướng mắc trên, căn cứ Điều 175 Luật Thi hành án dân sự về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự, Dự thảo quy định: Trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản là bất động sản theo quy định tại Điều 58, Điều 112 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp, hỗ trợ trong việc bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản.
Vẫn kê biên nếu chưa hoàn thành việc đăng ký chuyển quyền sở hữu
Trong thực tế thi hành án, việc chủ sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản sau thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật diễn ra khá phổ biến. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì các giao dịch này sẽ không được công nhận và tài sản sẽ bị xử lý để thi hành án.
Tuy nhiên, với từng loại giao dịch thì cần có cách xử lý khác nhau: giao dịch chuyển quyền sở hữu, sử dụng của tài sản nhưng chưa hoàn thành việc đăng ký; giao dịch chuyển quyền sở hữu, sử dụng của tài sản đã hoàn thành việc đăng ký và các giao dịch khác (cho thuê, mượn…).
Quy định hiện hành chưa giải quyết được triệt để vấn đề này nên cơ quan thi hành án dân sự còn lúng túng và có các cách giải quyết khác nhau, dẫn đến hiệu quả không cao và phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Do đó, để phù hợp hơn với quy định tại Điều 75 Luật THADS, đồng thời quy định rõ cách thức xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành án cố tình thực hiện các giao dịch nhằm trốn tránh việc thi hành án, hiện nay đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Dự thảo đã quy định phương án xử lý đối với từng trường hợp nêu trên, cụ thể: Trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như sau: Trường hợp việc chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng tài sản, chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp việc chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng tài sản, chuyển quyền sử dụng đất kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã hoàn thành việc đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên không kê biên tài sản mà thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài những trường hợp thực hiện các giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất (như trên), có những trường hợp chủ sở hữu tài sản thực hiện các giao dịch khác với tài sản như: cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn, cho vay…tài sản; cho thuê quyền hưởng dụng, quyền bề mặt đối với tài sản… mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất thì về nguyên tắc, tài sản vẫn thuộc sở hữu của người phải thi hành án, do đó Dự thảo quy định Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Thanh Nhàn- http://baophapluat.vn
Ban Biên tập Công Ty Cổ Phần Định Giá Và Tư Vấn Đầu Tư Quốc Tế