KINH NGHIỆM TRONG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH GIÁ TẠI PERU VÀ ARGENTIA

 

Vừa qua, Đoàn công tác Bộ Tài chính đã làm việc với một số cơ quan tại Peru và Argentina nhằm trao đổi hợp tác, tìm hiểu một số kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý giá, điều hành giá; từ đó đưa ra một số đề xuất kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách, việc quản lý, điều hành giá tại Việt Nam trong thời gian tới.

IMG-0359.JPG

Một số kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, điều hành giá tại Peru và Argentina.

Về cơ bản cơ chế quản lý, điều hành giá tại Peru và Argentina được thực hiện theo cơ chế thị trường, các hàng hóa, dịch vụ đều được thị trường tự điều tiết và định giá theo quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, tại Peru nhà nước vẫn thực hiện điều chỉnh giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, quan trọng như: điện, nước, gas tự nhiên, vận tải, viễn thông và có những cơ quan chuyên ngành riêng giám sát; và một số mặt hàng Nhà nước không quy định giá nhưng thực hiện kiểm soát bằng cách quy định tỷ lệ % khi điều chỉnh giá như dịch vụ y tế, bảo hiểm tại Argentina. Cơ chế quản lý, điều hành giá tại Peru và Argentina cơ bản là tương tự với Việt Nam hiện nay.

Cụ thể cơ chế quản lý giá đối với một số mặt hàng được thực hiện như sau:

Đối với mặt hàng điện, tại Peru hiện có 03 cơ quan quan trọng tham gia vào quá trình quản lý, gồm: Bộ Năng lượng và Dầu mỏ thực hiện quy định giá; Ủy ban Năng lượng Quốc gia làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra và xử phạt; Ủy ban điều hành kinh tế COES thực hiện chức năng phân phối năng lượng cho thị trường. Thị trường điện Peru hiện tại khoảng 42% sản lượng điện được Nhà nước quy định giá và áp dụng cho người dân tiêu dùng sinh hoạt, 58% sản lượng điện còn lại theo giá thị trường tự do và áp dụng cho các khu công nghiệp, kinh doanh, thương mại. Tùy từng thời điểm, giá điện theo thị trường tự do có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với giá điện do Nhà nước quy định. Tại thời điểm hiện tại thì giá điện theo thị trường tự do cao hơn giá điện do Nhà nước quy định. Hiện nay, Chính phủ Peru sử dụng cơ chế bình ổn giá và trợ giá để quản lý, điều hành giá điện. Cơ chế bình ổn giá điện dựa trên nhiều nhân tố như tỷ lệ lạm phát của quốc gia, thay đổi tỷ giá, giá đồng, nhôm (đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất máy móc, thiết bị trong khâu sản xuất, truyền tải điện nên ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất, truyền tải điện và Peru phải nhập khẩu nhiều), giá gas tự nhiên… Ngoài ra, Chính phủ Peru đang sử dụng đồng thời 02 hình thức trợ giá FOSE và MCTER để điều hành giá điện. Hình thức trợ giá FOSE được áp dụng theo cách những người có lượng tiêu thụ điện nhiều hỗ trợ trả cho những người có lượng tiêu thụ điện ít. Hình thức trợ giá MCTER: trợ giá trực tiếp cho người tiêu dùng, chính sách này áp dụng cho người có lượng tiêu thụ điện nhiều và những khu vực vùng sâu vùng xa.

Đối với mặt hàng xăng và dầu dizel thì hiện nay nhu cầu xăng E7.8 (loại xăng sinh học tương đương với xăng E5 của Việt Nam) đã chậm lại trong những năm gần đây khi các phương tiện taxi, xe buýt đang có xu hướng dịch chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí hóa lỏng (LPG). Xu hướng dịch chuyển này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá xăng dầu. Chính sách giá nhóm mặt hàng này là tự do và do thị trường tự quyết định.

Việc bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Argentina hiện được giao cho Tổng cục Thị trường trong nước thuộc Bộ Sản xuất thực hiện. Cơ quan này có nhiệm vụ đưa ra chương trình nhằm bình ổn thị trường khi có biến động bất thường xảy ra. Từ năm 2016, Tổng cục Thị trường trong nước đã đưa ra quy định trong đó yêu cầu bắt buộc tất cả các hệ thống siêu thị phải công khai, minh bạch về giá hàng hóa mình cung ứng. Tổng cục này có một hệ thống thông tin điện tử và các siêu thị hàng ngày phải có trách nhiệm cập nhật giá các mặt hàng tại đây. Khi tra cứu một sản phẩm bất kỳ trong hệ thống thì thông tin về giá của sản phẩm đó và các sản phẩm có liên quan tại các siêu thị được hiển thị hết trong vòng bán kính 5km tính từ điểm người tra cứu thực hiện tìm kiếm thông tin. Việc triển khai hệ thống này giúp cho cơ quan nhà nước có một cơ sở dữ liệu rất tốt và dễ dàng hơn trong quản lý.

Việc lựa chọn hàng hóa đưa vào danh mục bình ổn giá được xem xét, đánh giá tổng thể từ phía cơ quan quản lý lẫn các nhà sản xuất và tiêu chí lựa chọn phải là những hàng hóa thiết yếu, được tiêu dùng hàng ngày của các hộ gia đình. Để đạt mục tiêu bình ổn giá thành công phải đạt được 03 yếu tố (i) Sự thỏa thuận giữa nhà nước với các nhà sản xuất, khi nhà sản xuất đồng ý tham gia thì mới đảm bảo cho chương trình này của nhà nước được thành công - sự thỏa thuận này phần nhiều mang yếu tố chính trị. (ii) Cung cấp cho người tiêu dùng thông tin minh bạch, chính xác nhất. (iii) Hệ thống kiểm soát gồm hai bước: bước một là việc báo cáo sớm – đây là việc hệ thống các siêu thị làm hàng tuần gửi đến cho Tổng cục Thị trường trong nước. Bước 2, trên cơ sở kết quả báo cáo sớm, bộ phận kiểm tra thuộc Tổng cục Thị trường trong nước tiến hành kiểm tra thực địa tại các siêu thị thông qua ứng dụng riêng được cài đặt trên thiết bị điện thoại di động, từ đó giúp họ kiểm tra được mặt hàng nằm trong nhóm bình ổn giá tại siêu thị có đủ lượng dự trữ trong kho không và dán mác đầy đủ chưa?

Liên quan đến chương trình giá cả cho các mặt hàng thiết yếu: Chương trình này được đưa ra từ tháng 4/2019. Hiện, có khoảng 64% trong tổng số 500 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn gia tham gia vào chương trình giá cả cho các mặt hàng thiết yếu và đảm bảo thỏa thuận giữ giá trong vòng 06 tháng. Danh mục các mặt hàng tham gia chương trình này chủ yếu là các hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân như gạo, mỳ, dầu, sữa...Để tham gia chương trình này, các nhà sản xuất đưa ra nhãn mác riêng cho các mặt hàng thuộc chương trình, đồng thời, đảm bảo lượng hàng cung cấp đủ trong thời gian 06 tháng. Ngoài ra, cách đây 03 tháng, Argentina có chính sách bỏ thuế VAT cho một số mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ cho thị trường và người dân, nhờ chính sách này một số mặt hàng trong thời gian qua đã giảm giá như sữa. Như vậy, nhìn chung có thể nhận thấy việc bình ổn thị trường, quản lý giá tại Argentina dù áp dụng biện pháp nào cũng đều được dẫn dắt, tiếp cận theo hướng thị trường không theo phương pháp chi phí.

Một số kiến nghị đối với công tác quản lý, điều hành giá tại Việt Nam

- Nhà nước sử dụng công cụ kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, điều tiết giá cả thông qua các công cụ tài chính, tiền tệ, kiểm soát cạnh tranh, thao túng thị trường... phù hợp với các kinh nghiệm quốc tế và khu vực.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; khuyến khích cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ định giá đối với một số hàng hóa thiết yếu trong từng thời kỳ, sau một thời gian thực hiện có đánh giá để xem xét sự cần thiết Nhà nước còn định giá hay trao lại cho thị trường điều tiết. Việc lựa chọn nhà cung cấp thông qua cơ chế đấu thầu, đấu giá, tạo sự cạnh tranh về giá cả... Qua đó nhanh chóng đưa Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Đối với giá điện

Do điện là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay; vì vậy, Nhà nước chưa thả nổi giá điện mà cần kiên trì điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thông qua việc kiểm soát hồ sơ phương án giá của Tập đoàn điện lực Việt Nam, tăng cường công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá thành sản xuất kinh doanh điện và công bố công khai.

Đối với giá xăng dầu

Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia các hiệp định thương mại FTAs dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan (yếu tố khách quan và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới); cùng với sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước đã tăng lên khoảng 70% - 75% trong tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu tiêu thụ nội địa. Vì vậy, cần thiết phải rà soát để sửa đổi công thức tính giá cơ sở quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Đánh giá để từng bước Nhà nước không kiểm soát giá cơ sở và Quỹ bình ổn giá, đối với mặt hàng xăng dầu tự điều tiết của thị trường.

- Nghiên cứu, bổ sung quy định về xây dựng lộ trình định giá đối với những hàng hóa, dịch vụ có tính nhạy cảm tác động đến đời sống xã hội như các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích, các dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá do Nhà nước định giá và bổ sung quy định về việc bù giá, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thời gian giá hàng hóa, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ.

- Tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp cho việc phân công, phân cấp quản lý giá cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; bảo đảm tính thống nhất đồng bộ trong thực thi pháp luật.

- Nhanh chóng đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để định hướng thông tin cho cơ quan quản lý (cả Trung ương và địa phương), doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong cả nước tự kiểm tra mặt bằng giá.