Những quốc gia chỉ trích dự án Nord Stream-2 chỉ nhằm chứng tỏ đang ủng hộ Mỹ chứ không phải vì mục đích thực sự của họ.

Thông tấn TASS của Nga hôm 25/11 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov bình luận rằng, dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 của Nga đang đối mặt với những lời phản đối không thực sự.

Ngoai truong Nga chi trich thoi
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Các quốc gia phản đối dự án Nord Stream-2 nối Nga- Đức chạy dưới biển Baltic thực tế chỉ là nhằm ủng hộ Mỹ, chấp nhận bất cứ phương pháp chống Nga nào mà Mỹ đưa ra nhằm làm hài lòng Washington chứ không phải vì các lý do thực sự mà họ nêu ra.

"Những người hỗ trợ tất cả các phương pháp chống lại Nga chỉ đơn giản là thể hiện tinh thần đoàn kết, thể hiện tình đồng minh và làm hài lòng Mỹ. Thậm chí ngay cả khi Mỹ không mong muốn, các quốc gia đồng minh còn cố gắng nghĩ ra cách để làm tê liệt mọi sáng kiến mang tính xây dựng hàn gắn quan hệ Nga- Mỹ" - Ngoại trưởng Nga nói trong chương trình "Moscow. Kremlin. Putin".

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng, điều này được chứng tỏ bằng việc, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu coi tăng cường an ninh năng lượng là một trong những lợi ích quốc gia của họ.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 của Nga mang đến cho châu Âu nhiều lợi ích, trước mắt là giá khí đốt rẻ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khí đốt ngày càng tăng.

Đường ống sẽ đi qua các khu kinh tế và vùng lãnh hải của năm quốc gia, đó là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Công suất của đường ống sẽ là 55 tỷ m3 khí mỗi năm và dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019.

Một số quốc gia EU kiên quyết ngăn chặn dự án như Lithuania, Ba Lan và Ukraine. Hiện tại, chỉ có Đan Mạch không cấp giấy phép xây dựng đường ống này. Thủ tướng Đan Mạch Lokke Rasmussen tuyên bố, nước này sẽ chặn hoặc trì hoãn dự án này.


Phía Mỹ tuyên bố không ủng hộ dự án, cho rằng các quốc gia phương Tây đang bị Nga dùng chiêu bài chính trị bằng dự án năng lượng. Tuy vậy, Washington không trừng phạt dự án Nord Stream-2. Quyết định trừng phạt dự án này chắc chắn sẽ gây phẫn nộ đối với cả Nga và thành viên EU là đồng minh Mỹ.

Thay vì trừng phạt Nord Stream-2, Mỹ tìm cách đưa nhiều năng lượng của mình sang châu Âu, trước mắt là ở những quốc gia đã cực lực phản đối Nord Stream-2 như Ukraine hay Ba Lan.

Dù nền kinh tế của một số quốc gia châu Âu không khỏe mạnh như một số quốc gia đang hợp tác dự án Nord Stream-2 với Nga, họ vẫn chấp nhận mua năng lượng đắt đỏ từ Mỹ như một phương pháp đảm bảo an ninh năng lượng, tránh đòn chính trị của Moscow.