Ngày 4/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019. Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp. Thứ trưởng Vũ Thị Mai đại diện Bộ Tài chính tham dự buổi họp.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành thuộc Chính phủ và sự quan tâm theo dõi của các cơ quan thông tấn báo chí.
Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin tới báo giới một số nội dung nổi bật tại phiên họp Chính phủ tháng 4 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều ngày 4/5 tại Hà Nội.
Thông tin về phiên họp Chính phủ diễn ra trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019; công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; và một số vấn đề khác…
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 và thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước ổn định, tiếp tục đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện. Điều này thể hiện trên một số nét chính như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định; Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định; Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tăng khá; Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển.
“Bên cạnh những kết quả nói trên, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Trong nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi bước đầu hạ nhiệt, tuy vậy giá thịt lợn vẫn giảm so với tháng trước; sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm; nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên”, Người phát ngôn của Chính phủ thông tin.
Kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình mới
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết các thành viên Chính phủ cho rằng, để có thể đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong Quý II là rất nặng nề, đòi hỏi, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải có quyết tâm cao, tập trung thực hiện các kế hoạch; theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, phân tích kỹ xu hướng để đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới.
Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01, 02, Nghị quyết 35 và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, một số giải pháp là: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi; có phương án căn cơ để giải quyết việc xuất khẩu gạo, nông sản, thủy sản, chú trọng mặt hàng cá tra; theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất giải pháp tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá đối với ngành du lịch cả về lượng, chất…
CPH DNNN chậm và giải pháp đẩy nhanh tiến trình CPH, thoái vốn DNNN
Cũng tại buổi họp, nhiều vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm gần đây như việc tăng giá xăng, điện; Xử lý vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế phát triển; xử lý gian lận trong thi cử, cổ phần hóa DNNN….đã được đại diện các bộ ngành liên quan kịp thời thông tin cụ thể.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam về tình hình CPH DNNN hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Theo báo cáo trong 4 tháng đầu năm mới có 2 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị DN 295 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 4/2019 có 161 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 442 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn NN là 206 nghìn tỷ đồng. Kết quả này cho thấy tiến độ CPH DN là chậm, đặc biệt là 4 tháng đầu năm 2019 và chưa đạt được tiến độ đề ra như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phủ tại công văn 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/10/2017 về việc phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020. Số lượng DN CPH còn lại là 97 DN, chiếm 76% kế hoạch đề ra.
Chỉ ra những nguyên nhân làm chậm tiến trình CPH DNNN, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng “do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan’’. Nguyên nhân chủ quan đó là một số bộ ngành địa phương, tập đoàn…chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong CPH, thoái vốn DNNN. Trong khi đó, nguyên nhân khách quan được chỉ ra do còn có vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động nên tiến độ kéo dài hơn so với kế hoạch.
Vè giải pháp để tăng cường và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết và chỉ đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước…tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Về thể chế, các bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ KHĐT sẽ phải khẩn trương sửa đổi bổ sung một số văn bản, quy định pháp luật, cụ thể Nghị định liên quan đến cổ phần hóa DNNN, đồng thời các bộ ngành địa phương phải tích cực chỉ đạo đơn vị cấp dưới thực hiện quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình CPH. Thủ trưởng và Người đứng đầu bộ ngành địa phương và Ủy ban quản lý vốn NN tại DN phải chịu trách nhiệm đôn đốc triển khai thực hiện đúng về tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn NN tai danh mục DN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 đã được TTg CP ban hành tại QĐ 58/2016/QĐ-TTg và thực hiện CPH thoái vốn đúng kế hoạch tại văn bản chỉ đạo 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020.
Bản thân DNNN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giao đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước trước khi xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định tại Nghị định 167 và Nghị định 126 của Chính phủ.
Theo Gia Hưng - http://www.mof.gov.vn/
Ban Biên tập Công Ty Cổ Phần Định Giá Và Tư Vấn Đầu Tư Quốc Tế