Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Tại nghị quyết này, tiêu chí DN được giảm thuế TNDN đã được mở rộng đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, thay vì mức 50 tỷ đồng và quy mô lao động dưới 100 người như dự thảo trước đây.
Bỏ giới hạn quy mô lao động
Trước đó, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng giảm thuế TNDN cho tất cả các DN Việt Nam hoặc mở rộng đối tượng giảm thuế đối với các DN có quy mô vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); đề nghị bỏ tiêu chí lao động đóng bảo hiểm để đảm bảo công bằng đối với DN có doanh thu thấp nhưng sử dụng nhiều lao động hoặc chỉ áp dụng cho các đối tượng có doanh thu năm 2020 thấp hơn năm 2019.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, nội dung của nghị quyết này hướng tới các DN khó khăn là DN có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn.
Mặt khác, nếu áp dụng cả 4 tiêu chí về lao động, doanh thu, vốn và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế sẽ khó để triển khai hỗ trợ kịp thời cho các DN ngay trong năm 2020. Trong khi đó, nếu lấy tiêu chí doanh thu sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của DN, đúng bản chất kinh tế, thuận lợi cho DN trong việc kê khai thuế và công tác quản lý của cơ quan thuế.
Trường hợp chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu 2020 giảm so với doanh thu năm 2019 thì các DN mới thành lập năm 2020 sẽ không có doanh thu của năm 2019 để đối chiếu và dễ phát sinh tiêu cực khi tổ chức thực hiện.
Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu, bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các DN sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế TNDN đối với DN có quy mô vừa trong dự thảo nghị quyết.
Theo đó, tiêu chí xác định DN có quy mô vừa được giảm thuế là DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định DN vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV, do tình hình khó khăn nên nhiều DN thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng.
Việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình.
DN có thu nhập vẫn cần được hỗ trợ
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần có sự phân biệt đối với lĩnh vực và DN bị ảnh hưởng tiêu cực so với những lĩnh vực, DN vẫn có tăng trưởng, theo đó loại trừ đối với những DN, lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ không thuộc đối tượng được giảm thuế TNDN theo nghị quyết này.
Theo UBTVQH, mục tiêu chính sách là đảm bảo việc giảm thuế TNDN áp dụng đúng đối tượng DN quy mô nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngoài ra còn góp phần thực hiện mục tiêu về hỗ trợ, phát triển DN quy mô nhỏ và vừa theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân và để cụ thể một bước Luật Hỗ trợ DNNVV.
Việc tách biệt ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế có nhiều khó khăn khi các DN có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay.
Mặt khác, việc giảm thuế TNDN cho DN có quy mô nhỏ và vừa là nhằm hỗ trợ chung cho các DN có thêm nguồn lực phục hồi, tăng tích lũy để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không loại trừ các DN vẫn có tăng trưởng ra khỏi đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị quyết.
Theo H.Y www.thoibaotaichinhvietnam.vn
Ban Biên tập Công Ty Cổ Phần Định Giá Và Tư Vấn Đầu Tư Quốc Tế