Tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà có từ năm 2013 khiến TTCK rung chuyển, kể từ đó đến nay đã nhiều lần tin đồn này gây áp lực lên cổ phiếu BIDV. Tuy nhiên, Bộ Công an chính thức có lệnh bắt, khởi tố nguyên Chủ tịch BIDV, diễn biến cổ phiếu này đã hoàn toàn khác.

Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa bị bắt liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” tại BIDV.

Dấu ấn của Trần Bắc Hà tại BIDV

Ông Hà chính thức được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch BIDV từ ngày 1/1/2008 và từ nhiệm ngày 1/9/2016, tương đương 8 năm 8 tháng.

BIDV và áp lực Trần Bắc Hà - Ảnh 1.

Ảnh: Nhật Minh

Trong thời gian này, BIDV đã trải qua cột mốc quan trọng chuyển đổi từ ngân hàng quốc doanh trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24/1/2014. Một năm sau, BIDV nhập sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Ngân hàng tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; phủ sóng ra nước ngoài, có mặt tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc.

Không thể phủ nhận vai trò và sức ảnh hưởng của ông Trần Bắc Hà tại BIDV. Khi ông này rời ghế Chủ tịch HĐQT về hưu theo chế độ, BIDV phải mất 2 năm để tìm kiếm Chủ tịch HĐQT tiếp theo.

Sự bùng nổ của ngành ngân hàng trong 10 năm qua cùng với việc chuyển đổi từ một ngân hàng quốc doanh thành ngân hàng cổ phần đã khiến BIDV tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm đầu tiên ông Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT, BIDV có tài sản ở mức 246.494 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với hai ngân hàng TMCP Nhà nước là Vietcombank (221.950 tỷ đồng) và VietinBank (193.590 tỷ đồng). Tuy nhiên 8 năm sau, tài sản ngân hàng này đã gấp 4 lần so với 2008, cao hơn 28% Vietcombank và 6% VietinBank.

BIDV và áp lực Trần Bắc Hà - Ảnh 2.

Tổng tài sản của BIDV thời điểm hiện tại và thời điểm ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT (2008-2016)


Dưới thời ông Trần Bắc Hà, tổng doanh thu BIDV gấp 3,6 lần, lợi nhuận sau thuế gấp 3,2 lần. Dù tăng trưởng bằng lần nhưng các khoản thu nhập của BIDV vẫn thấp hơn Vietcombank và lợi nhuận kém cả hai ngân hàng, cho thấy tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản của BIDV đều kém VCB và Vietinbank.

BIDV và áp lực Trần Bắc Hà - Ảnh 3.

Lợi nhuận sau thuế của 3 ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hoá (số liệu VCB 2008 là số liệu 7 tháng cuối năm do 2008 là năm VCB cổ phần hóa)


Hệ số lợi nhuận/doanh thu trong 9 tháng đầu năm của BIDV chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với Vietcombank là 23%, VietinBank là 10%.

Về huy động vốn, tại thời điểm 2016, huy động từ dân cư của BIDV đạt 726.022 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng gốc quốc doanh, gấp 4,4 lần thời điểm ông Hà mới bắt đầu làm Chủ tịch, tương đương mức tăng trưởng huy động kép hàng năm (CAGR) đạt 20,8%, con số này cao hơn 2% Vietcombank và thấp hơn 3% VietinBank.

BIDV và áp lực Trần Bắc Hà - Ảnh 4.

Tăng trưởng huy động của các ngân hàng


Nợ xấu 9 tháng cao nhất 3 ngân hàng và những con nợ lớn

Thời điểm ông Hà lên "nắm quyền", BIDV có tỷ lệ nợ xấu 4,01%, cùng với Vietcombank là 4,6%, cao hơn nhiều so với VietinBank.

Sau 8 năm, tỷ lệ này đã được BIDV khống chế về mức 1,99%, tương ứng 14.431 tỷ đồng. Trong đó, tại thời điểm ông Hà bắt đầu rời nhiệm sở, nợ khó đòi của BIDV lên tới hơn 6.900 tỷ đồng, tương đương 0,95% tổng dư nợ.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, nợ xấu của BIDV cao hơn hai ngân hàng còn lại, đạt 1,79% (Vietcombank 1,18% còn VietinBank 1,36%).

BIDV và áp lực Trần Bắc Hà - Ảnh 5.

Nợ xấu 3 ngân hàng qua các thời kỳ


BIDV và áp lực Trần Bắc Hà - Ảnh 6.

Dư nợ của các ngân hàng qua các thời kỳ


Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV có những con nợ lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhóm công ty liên quan Phạm Công Danh, Thuận Thảo Sài Gòn.

BIDV đã có sai phạm trong việc cho nhóm 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Một số lãnh đạo khác của BIDV là ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang cũng bị kết luận "có vi phạm nghiêm trọng" và bị bắt cùng ông Hà. Ông Trần Lục Lang đã bị thôi chức Phó Tổng giám đốc BIDV tại thời điểm bị bắt và là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lào Việt, công ty con của BIDV có sức ảnh hưởng lớn tại Lào.


Một trong những con nợ khác của BIDV dưới thời ông Bắc Hà là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Tại thời điểm 2016, HAGL nợ BIDV tổng cộng hơn 7.900 tỷ đồng, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Cùng với khoản nợ từ BIDV, Tập đoàn này còn nợ vay các ngân hàng khác, nợ trái phiếu, tổng cộng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.

Sau đó BIDV cùng các ngân hàng phải tái cơ cấu nợ cho HAGL. Riêng BIDV bơm thêm 6.546 tỷ đồng dưới hình thức phát hành trái phiếu, kỳ hạn 10 năm có tài sản đảm bảo.

Kết quả trong năm 2016, HAGL đã hoàn thành việc tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu với các bên cho vay, bao gồm gia hạn thời gian trả nợ gốc đối với dư nợ tín dụng và trái phiếu từ 4 - 10 năm; gia hạn thời gian trả nợ lãi thêm từ 1 đến 3 năm, giảm lãi suất, lãi phạt.

BIDV hậu Trần Bắc Hà

Sau hơn 2 năm kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT của BIDV bỏ trống. Một số người được giao vị trí phụ trách hoạt động điều hành của ngân hàng như ông Trần Anh Tuấn, ông Bùi Quang Tiên. Mới đây, vào giữa tháng 11, BIDV chính thức có Tân Chủ tịch là ông Phan Đức Tú. Ông Tú sinh năm 1964, làm việc ở BIDV đã được 30 năm và giữ chức Tổng giám đốc từ tháng 5/2012 đến nay.

Cùng với việc có Chủ tịch mới, BIDV cũng xúc tiến phương án bán 17,6% vốn điều lệ hiện tại cho Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc, tương đương hơn 600 triệu cổ phần. Thời gian hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 5 năm kể từ khi đối tác lần đầu tiên trở thành cổ đông của ngân hàng.

Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ đạt 40.220 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, sở hữu của cổ đông Nhà nước sẽ giảm xuống 81%, cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ 15% và phần còn lại hơn 4% sở hữu bởi các cổ đông khác.

Ngay sau khi thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt được công bố, BIDV phát ngay thông cáo khẳng định hoạt động của toàn hệ thống không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên. Đến cuối tháng 11/2018 cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tổng tài sản đạt 1.255 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 13,5%, nợ xấu kiểm soát thấp dưới 1,6%; lợi nhuận tăng trưởng 18%; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Tổ chức định hạng quốc tế Moody’s nâng hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của BIDV từ mức b3 lên mức b2.

Trước đây, thị trường chứng khoán phản ánh rất dữ dội với tin đồn Trần Bắc Hà bị bắt. Nhưng lần này khi Bộ Công an chính thức ban hành lệnh bắt và khởi tố bị can, cổ phiếu BIDV tăng liên hai phiên, thậm chí phiên giao dịch hôm nay còn tăng trần, khớp lệnh hơn 3,4 triệu cổ phiếu.

Về cơ bản, tin xấu đè nén cổ phiếu BIDV trong 4 năm qua đã ra hết. Trang sử mới của BIDV giờ mới bắt đầu.

Theo Thu Thanh

Người đồng hành