I. BỐI CẢNH KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

1.     Bối cảnh kinh tế - tài chính thế giới 2018

1.1.  Kinh tế thế giới tăng trưởng chững lại trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

1.2.  Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo khi Mỹ thay đổi chiến lược chuyển sang đàm phán song phương, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài. 

1.3.  Lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao hơn năm 2017 do giá hàng hóa năng lượng tăng, đặc biệt giá dầu bình quân tăng mạnh.Theo OPEC, IMF và WB, giá dầu bình quân của năm 2018 ước khoảng 69 USD/thùng, tăng 30% so với năm 2017.

1.4.   Chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ, Châu Âu và Anh do kỳ vọng lạm phát tăng cao. Do đó, tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển, các NHTW buộc phải tăng lãi suất, can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ứng phó với lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá mạnh và rủi ro dòng vốn đảo chiều khi lãi suất tại các nước phát triển tăng.

2.     Triển vọng kinh tế thế giới 2019

2.1.  Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo giảm tốc hoặc nhiều nhất chỉ duy trì được mức tăng như năm 2018. Những rủi ro chủ yếu đối với kinh tế toàn cầu năm 2019 là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc; rủi ro rút vốn và khủng hoảng cơ chế tỷ giá hối đoái tại các nước mới nổi.

2.2.  Thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 được IMF (T10/2018) dự báo khoảng 4%, giảm 0,2 điểm % so với năm 2018 do chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

2.3.  Giá hàng hóa, giá dầu dự báo biến động không nhiều.Dự báo năm 2019, giá dầu sẽ được giữ ở mức ổn định hoặc tăng nhẹ khoảng 3% so với giá dầu bình quân năm 2018 (IMF, WB).

2.4.  Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra tại các nước phát triển nhưng thận trọng và dè dặt hơn.

II. BỐI CẢNH KINH TẾ VIỆT NAM 2018, TRIỂN VỌNG 2019

1. Bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước 2018

1.1.   Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 10 năm

nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Năm 2018, kinh tế Việt Nam ước tăng 6,9-7%, đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp khoảng 2,5 điểm% vào tăng trưởng; ngành dịch vụ đóng góp khoảng 2,75 điểm% vào tăng trưởng. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ. 

1.2.  Lạm phát bình quân cả năm ước khoảng 3,6%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng dưới 1,5% so với cùng kỳ. Nhân tố tác động chủ yếu đến lạm phát năm 2018 là thực phẩm và xăng dầu: giá thực phẩm tăng 6,67% so với đầu năm (đóng góp 1,51 điểm%); nhóm giao thông tăng 7,3% so với đầu năm (đóng góp 0,68 điểm%).

1.3.  Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao nhờ: Cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017; Cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân FDI tiếp tục đạt khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%. Khoản mục lỗi và sai sót giảm mạnh so với năm 2017. Nhờ đó, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (đạt khoảng 1 2 tuần nhập khẩu).


1.4. Cân đối NSNN đảm bảo tiến độ do thu NSNN đạt khá trong khi chi NSNN được kiểm soát, cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% (năm 2017: 62,6%; năm 2016: 63,6%) do tăng trưởng kinh tế khả 

quan. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực DN và TCTD tăng nhanh.

2. Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019

2.1. Tăng trưởng GDP năm 2019 được dự báo có khả năng đạt 7%. Phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần xu thế đã liên tục cải thiện trong những năm qua và được dự báo tiếp tục trong năm 2019. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế: hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các các FTAs khác.

2.2. Lạm phát năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua.Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hóa thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.