Thị trường hàng hóa thế giới vừa trải qua một phiên giảm giá, trong đó dầu thô giảm mạnh gần 7% do chứng khoán khắp nơi chìm trong sắc đỏ còn USD thì mạnh lên.
Chỉ số dollar index tăng mạnh 0,68% lên 96,82 điểm vì nhiều nhà đầu tư chuyển hướng từ hàng hóa sang USD để giảm thiểu rủi ro. Cũng hút mạnh nhà đầu tư nên lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần. Nhưng thủ phạm chính gây giảm giá hàng hóa là chứng khoán toàn cầu. Tất cả các thị trường chứng khoán đều giảm điểm vào cuối phiên vừa qua do lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không được như mong đợi, lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, bất ổn địa chính trị ở nhiều quốc gia và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Dầu giảm mạnh
Giá dầu vừa trải qua phiên giảm mạnh sau hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán phố Wall bởi lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 3,77 USD tương đương 6,6% xuống 53,43 USD/thùng, trong phiên có lúc giá giảm tới 7,7% xuống chỉ 52,77 USD. Hơn 946.000 hợp đồng dầu WTI kỳ hạn giao sau 1 tháng đã bị sang tay, nhiều hơn mức trung bình ngày của hơn 10 tháng qua.
Dầu Brent cũng giảm 4,26 USD tương đương 6,4% xuống 62,53 USD/thùng vào cuối phiên, sau khi có lúc giảm 7,6% xuống 61,71 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2017.
So với đầu tháng 10/2018, giá dầu đã mất hơn 30%.
Chứng khoán thế giới đã mất điểm trong 2 phiên vừa qua vì lo ngại về lợi nhuận của các công ty, chi phí cho vay tăng cũng như kinh tế thế giới chậm lại trong bối cảnh tiếp diễn căng thẳng thương mại. Chỉ số S&P 500 xuống mứ thấp nhất 3 năm.
Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường dầu đang vào giai đoạn không chắc chắn, chủ yếu do sự bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu mong manh.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng cũng giảm do các nhà đầu tư tìm tới USD và trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi thị trường chứng khoán ngập sắc đỏ. Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.220,01 USD/ounce, trong khi hợp đồng kỳ hạn tại Mỹ giảm 5,10 USD tương đương 0,3% xuống 1.221,20 USD/ounce.
USD đã hồi phục khỏi mức thấp nhất 2 tháng, còn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần bởi chứng khoán mất điểm thúc đẩy nhu cầu mua những tài sản an toàn.
Trong số các kim loại quý khác, bạc giảm 1% xuống 14,28 USD/ounce (mặc dù có lúc đạt 14,49 USD, cao nhất kể từ 8/11), palađi giảm 2% xuống 1.137,50 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 1,8% xuống 837,50 USD/ounce.
Đồng, nickel và kẽm giảm
Chứng khoán giảm điểm cũng kéo giá đồng giảm trở lại sau 5 phiên tăng trước đó. Hoạt động bán tháo diễn ra khiến hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,2% xuống 6.184 USD/tấn (trong 5 phiên liền trước, giá đã tăng tổng cộng 4%).
Một số kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt giảm giá. Với hợp đồng tham chiếu (giao sau 3 tháng trên sàn London), kẽm giảm 1,9% xuống 2.551 USD/tấn, nickel giảm 0,8% xuống 11.095 USD/tấn (thấp nhất kể từ 14/12/2017). Tuy nhiên, kẽm kỳ hạn giao ngay hiện có giá cao hơn tới 97 USD/tấn so với hợp đồng giao sau 3 tháng, cao nhất kể từ tháng 6/2009. Lý do bởi nguồn cung mặt hàng này hiện tại đang khan hiếm.
Thép giảm mạnh nhất 8 tháng
Giá thép xây dựng tại Trung Quốc giảm gần 3% trong phiên vừa qua, mức giảm trong ngày nhiều nhất trong vòng 8 tháng, do lo ngại nhu cầu chậm lại.
Sản lượng cao ở các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc cũng góp phần khiến giá giảm, mặc dù những thành phố ở miền Bắc đã bắt đầu thực hiện quy định cắt giảm sản xuất trong mùa đông. Tuần qua, tỷ lệ sử dụng công suất ở các nhà máy thép trên toàn Trung Quốc tiếp tục tăng tuần thứ 3 liên tiếp, thêm 0,14 điểm % lên 67,82%.
Thép cây (rebar) hợp đồng tham chiếu trên sàn Thượng Hải đã giảm 2,9% xuống 3.742 CNY (539,37 USD)tấn. Đây là mức giảm nhiều nhất kể từ 23/3/2018. Giá thép giao ngay cũng giảm 1,3% xuống 4.300,42 CNY/tấn, thấp nhất trong vòng 4 tháng.
Than giảm theo thép
Giá than giảm do chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giá thép. Than cốc kỳ hạn giao tháng 1/2019 giảm 3,5% xuống 2.305 CNY/tấn, trong khi than luyện cốc giảm 0,9% xuống 1.371,5 CNY/tấn.
Đường thấp nhất 6 tuần
Giá đường thô giảm mạnh theo xu hướng giá dầu thô vì mía không chỉ dùng sản xuất đường mà còn sản xuất ethanol – mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với dầu. Đường thô giao tháng 3 giảm 0,34 US cent tương đương 2,7% xuống 12,46 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất kể từ 5/10 (12,36 US cent); trong khi đường trắng giảm 5,8 USD tương đương 1,7% xuống 338,10 USD/tấn (có lúc xuống thấp nhất 7 tuần là 337,3 USD/tấn).
Dự báo Brazil sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ mía dùng trong sản xuất ethanol ở mức cao đã hỗ trợ giá đường thô trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, giá dầu giảm làm gia tăng lo ngại các nhà sản xuất có thể nâng tỷ lệ mía dùng trong sản xuất đường nếu lợi nhuận cao hơn là sản xuất ethanol.
Cao su tiếp tục giảm
Giá cao su đồng loạt giảm trên các thị trường châu Á trong phiên vừa qua. Tại Tokyo, hợp đồng tham chiếu giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp mới trong vòng 26 tháng do yen mạnh lên so với USD, chứng khoán Nhật giảm điểm và ảnh hưởng từ giá tại Thượng Hải. Hợp đồng giao tháng 4 năm sau giảm 1,2% xuống 153,6 JPY (1,37 USD)/kg vào cuối phiên, trước đó có lúc chỉ 153 JPY, thấp nhất kể từ 13/9/2016. Hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải (giao dịch nhiều nhất) cũng giảm 270 CNY xuống 10.885 CNY/tấn vào cuối phiên sau khi có lúc chỉ 10.755 CNY, thấp nhất kể từ 3/8/2018, trong khi hợp đồng giao tháng 12 tới tại Singapore giảm 1,1% xuống 121,8 USD/kg.
Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của hãng môi giới hàng hóa Fujitomi Co. cho biết: "Tại Thái Lan, giá chào bán cao su physical giảm và lo ngại nhu cầu cao su thế giới yếu đi càng tác động tiêu cực tới giá cao su", và thêm rằng "Xu hướng giảm giá cao su trên toàn châu Á có thể sẽ còn tiếp diễn".
Sữa giảm tiếp
Giá sữa quốc tế tiếp tục giảm phiên thứ 7 liên tiếp do khối lượng chào bán tăng và giá các sản phẩm sữa giảm. Chỉ số giá GDT (Global Dairy Trade) – giao dịch 2 tuần một lần – giảm 3,5%, với giá bán trung bình chỉ còn 2.727 USD/tấn. Trong đó, sữa tách kem (AMF) giảm 9,4%, còn bơ giảm 9,6%, đều xuống mức thấp nhất hơn 2 năm; sữa bột nguyên kem (WMP) – giao dịch nhiều nhất - giảm 1,8%.
Phiên trước đó (cách đây 2 tuần) chỉ số giá sữa trung bình đã giảm 2%. Ngân hàng ANZ dự báo sản lượng sữa sẽ vẫn duy trì ở mức cao cho tới mùa hè nên giá mặt hàng này có thể sẽ còn tiếp tục theo xu hướng đi xuống.
Chè giảm
Giá chè trung bình tại chợ đấu giá Sri Lanka đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, xuống mức 620,44 rupee/kg, thấp nhất trong vòng 4 tháng. Ngân hàng trung ương nước này dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm, đến cuối 2018 sẽ chỉ ở mức trung bình 587,76 rupee, so với 620,44 rupee cuối năm 2017. Sáu tháng đầu năm 2018, giá trung bình là 605,17 rupee, thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước đó, kể từ tháng 7 tốc độ giảm mạnh lên, với giá trung bình trong tháng 7/2018 thấp hơn 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng chè Sri Lanka trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, lên 158,2 triệu kg, và dự báo cả năm 2018 sẽ tăng 3,5% lên 318,6 triệu kg.
Trong khi đó tại Trung Quốc, hãng Xinhua dẫn thông tin từ Hiệp hội marketing chè cho hay, sản lượng của nước này năm 2018 dự báo đạt 2,8 triệu tấn, trị giá 600 tỷ CNY (86,4 tỷ USD); thương mại trên thị trường nội địa sẽ đạt 2 triệu tấn, và xuất khẩu sẽ vượt 300.000 tấn. Được biết, tiêu thụ chè tại Trung Quốc những năm gần đây tăng đều đặn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 21/11