Một số cổ phiếu ngân hàng "hạ nhiệt" về cuối phiên, thậm chí CTG, BID đóng cửa trong sắc đỏ phần nào ảnh hưởng tới đà tăng của thị trường.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn như BVH, MSN, VIC, VNM, VJC, VRE, PNJ, MWG,…vẫn duy trì đà tăng khá tốt giúp sắc xanh thị trường được củng cố.
Trong khi đó, một số nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, hạ tầng, vật liệu xây dựng có xu hướng bị chốt lời với nhiều cổ phiếu đóng cửa giảm điểm.
DGW có phiên giao dịch khá tích cực khi tăng 1.000 đồng (1,89%) lên 54.000 đồng. Trong quý 2, DGW ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.583 tỷ đồng, tăng trưởng 29% và LNST 48 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu mảng điện thoại tăng trưởng 18,5% nhờ doanh số điện thoại Xiaomi tăng trưởng ấn tượng, trong khi đó mảng Máy tính xách tay và máy tính bảng (MTXT và MTB) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn 65% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu làm việc tại nhà và học trực tuyến tăng mạnh.
Bên cạnh đà tăng trưởng của mảng điện thoại, MTXT và MTB, một yếu tố khác thúc đẩy lợi nhuận tăng mạnh đó là doanh thu tài chính tăng 97% đạt 25 tỷ đồng nhờ lãi từ chênh lệch tỷ giá, đồng thời lãi vay cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng năm 2020, DGW ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.893 tỷ đồng và LNST 93 tỷ đồng, tăng lần lượt 45,1% và 59,2% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, DGW đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.200 tỷ đồng (tăng 20%) và LNST đạt 202 tỷ đồng (tăng 25,5%), cổ tức tiền mặt cho năm 2020 được đề xuất ở mức 10%.
DGW trở thành đại lý phân phối ủy quyền cho Apple tại Việt Nam kể từ cuối tháng 6/2020. Theo đánh giá của CTCK Yuanta, 40% thị phần điện thoại Iphone tại Việt Nam là hàng xách tay và đây là thị trường tiềm năng để DGW khai thác.
Yuanta đánh giá triển vọng DGW tổng năm 2020 tích cực nhờ doanh thu mảng MTXT và MTB tăng mạnh trong thời gian dịch Covid-19, trong khi đó mảng ĐTDĐ hưởng lợi từ các chính sách bán hàng ưu đãi của Xiaomi giúp gia tăng thị phần.
Trong tuần trước, quỹ đầu tư Evli Emerging Frontier Fund đến từ Phần Lan đã trở thành cổ đông lớn của DGW.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 6,99 điểm (0,78%) lên 907,94 điểm; HNX-Index tăng 1,07% lên 130,58 điểm và UPCom-Index tăng 0,25% lên 60,74 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 9.300 tỷ đồng.
Điểm tích cực là khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 100 tỷ đồng sau chuỗi phiên bán ròng liên tiếp. Lực mua của khối ngoại tập trung vào PLX, VNM, VRE…
Dù vậy trên TTCK Phái sinh, cả 4 HĐTL đều đóng cửa với basis âm từ 3,54 đến 11,24 điểm cho thấy giới đầu tư vẫn khá thận trọng với xu hướng thị trường lúc này.
=====================================
Phiên sáng diễn ra khá tích cực vơi sắc xanh duy trì xuyên suốt thời gian giao dịch. Dẫn dắt đà tăng lúc này là nhóm Bluechips, ngân hàng. Việc các quỹ ETFs nội liên tục hút vốn thời gian gần đây đang mang đến sự hứng khởi nhất định cho nhóm cổ phiếu này.
Đà tăng của thị trường cũng làn tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán (HCM, VND, SSI, SHS…) hay bất động sản, xây dựng (CEO, DIG, DXG, NTL, PDR, PC1…).
Trong khi đó, các cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công tiếp tục bứt phá mạnh với nhiều mã tăng như PLC, KSB, DHA, HPG, CII, HT1, BCC…
Nhóm cổ phiếu viễn thông, công nghệ cũng tăng khá tốt trong sáng nay với FPT, CMG, FOX, ADG, CTR, VGI, VTK, ICT…tăng điểm.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 8,04 điểm (0,89%) lên 908,99 điểm; HNX-Index tăng 1,38% lên 130,98 điểm và UPCom-Index tăng 0,32% lên 60,79 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn gần 20 tỷ đồng. Lưkc bán tập trung vào bộ đôi MBB (-27,9 tỷ đồng) và VHM (-26,3 tỷ đồng).
===============================
Nối tiếp đà hưng phấn vào cuối tuần trước, thị trường mở cửa phiên giao dịch 21/9 với đà tăng ngay từ những phút đầu phiên. Nhóm Bluechips BVH, FPT, GAS, HPG, MSN, VIC, VNM, SAB, PLX, VRE, PNJ, MWG, VHM…đồng thuận tăng mạnh là động lực giúp thị trường bứt phá.
Nhóm ngân hàng cũng giao dịch khá tốt với ACB, BID, CTG, MBB, VCB, VIB, SHB, VPB…tăng điểm giúp sắc xanh thị trường được củng cố. Trong đó SHB tăng hơn 4% sau thông tin nộp hồ sơ niêm yết HoSE.
Bộ đôi cổ phiếu hàng không HVN, VJC cũng tăng điểm với kỳ vọng các chuyến bay quốc tế sớm sôi động trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công như PLC, KSB, DHA, HPG, CII, HT1, BCC cũng tăng khá tốt.
Các cổ phiếu ngành điện như PPC, REE, SEB, TBC, POW, TTA…cũng tăng điểm trong sáng nay. Trong đó, TTA có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp kể từ khi chào sàn.
Tại thời điểm 10h, chỉ số VN-Index tăng 6,85 điểm (0,76%) lên 907,8 điểm; HNX-Index tăng 1,51% lên 131,15 điểm và UPCom-Index tăng 0,25% lên 60,74 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, họ bán ròng 16 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào VHM, STB, VIC…
=================================
Trong bản tin nhận định thị trường tuần, CTCK VCBS cho rằng đà tăng điểm cuối tuần trước là tích cực, tuy nhiên chỉ số chung vẫn đang "mắc kẹt" tại vùng 900 điểm và mức gia tăng thanh khoản hiện tại là chưa đủ cơ sở để kỳ vọng về một xu hướng bứt phá mạnh mẽ vượt ngưỡng kháng cự 900 điểm trong tuần sau.
Trong bối cảnh hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh diễn ra để lướt sóng "ngắn hạn" theo tín hiệu từ các chỉ báo kỹ thuật trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư về các ngưỡng chốt lời và cắt lỗ, đồng thời có thể cân nhắc giải ngân tích lũy với tỷ trọng vừa phải ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn ở các nhóm ngành vẫn còn chưa "hòa chung" sắc xanh với thị trường trong tuần này.
Theo Minh Anh - Tri Thức Trẻ
Ban Biên tập Công Ty Cổ Phần Định Giá Và Tư Vấn Đầu Tư Quốc Tế