Một trong những sự kiến đáng nhớ nhất của năm 2018 là việc một tập đoàn giáo dục mua thành công 2 trường đại học tư ở TPHCM. Những tập đoàn đầu tư vào giáo dục không còn là chuyện mới, hiệu quả chưa biết thế nào nhưng dù sao nhờ đó các trường ĐH ngoài công lập trở nên “có giá” hơn hẳn.
Những cuộc mua bán trường hàng trăm tỷ đồng
Tháng 10/2018, giới giáo dục đại học trong nước xôn xao trước thông tin Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng nắm giữ phần lớn cổ phần của trường ĐH Hoa Sen- một trường ngoài công lập có tiếng ở TPHCM.
Theo tập đoàn này, một số cổ đông của Trường ĐH Hoa Sen đã tiếp cận và mong muốn chuyển nhượng lại cổ phần của họ tại Trường ĐH Hoa Sen. Và đây cũng là cơ hội để thực hiện những điều tốt đẹp cho Hoa Sen nên họ đồng ý mua lại cổ phần từ những cổ đông này. Mãi cuối năm 2018, tập đoàn Nguyễn Hoàng thông tin chính thức hoàn tất việc mua lại trường Hoa Sen với tổng số cổ phần chiếm ít nhất là 85%.
Năm 2018, trường ĐH Hoa Sen chính thức được sang tay chủ đầu tư mới và chi phí chuyển nhượng lên đến cả ngàn tỷ đồng
Việc trường ĐH Hoa Sen có chủ sở hữu mới trở thành điều gây xôn xao trong giới giáo dục bởi một phần vì đây là một trong những trường ĐH tư có tiếng hiện nay. Mặc dù trải qua một thời gian dài có tranh chấp nội bộ và sụt giảm về giá trị, tuy nhiên Hoa Sen hiện vẫn thuộc những trường có doanh thu cao từ học phí sinh viên. Cũng theo các chuyên gia giáo dục, trường ĐH sinh viên đông, thương hiệu tốt và đang trên đà phát triển. Do đó, việc chuyển nhượng này với khoảng gần 20.00 tỷ đồng như một nguồn tin bật mí thì vẫn được xem một thương vụ thành công đối với tập đoàn này.
Cũng trong năm 2018, Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng mua thành công Trường ĐH Gia Định với mức giá gần 100 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, trường đại học này vừa được cải tổ lãnh đạo đồng thời là sắp xếp lại cơ sở vật chất vốn yếu kém. Trước đó, tập đoàn này cũng sở hữu Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với giá trị khoảng 500 tỷ đồng và Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu.
Tại TPHCM, công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech cũng đang sở hữu hai trường đại học tư thục lớn là Trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM với quy mô hàng chục ngàn sinh viên. Để sở hữu Trường ĐH Kinh tế - Tài Chính TPHCM, công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech phải bỏ ra cho chủ cũ con số hơn 100 tỷ đồng.
Cách đây 6 năm, công ty phát triển Hùng Hậu (nay là Tập đoàn Hùng Hậu – PV) ký kết thỏa thuận đầu tư vào Trường ĐH Văn Hiến nhưng thực chất là mua lại trường này với giá 75 tỷ đồng. Trong đó 40 tỷ đồng thoái vốn cho các tổ chức góp vốn trước đó và 35 tỷ đồng ghi nhận và xác định công sức đóng góp của tập thể cán bộ giảng viên trường này. Đến thời điểm này, Tập đoàn Hùng Hậu cũng sở hữu nhiều trường như: Trường CĐ Vạn Xuân, Trường Trung cấp Vạn Tường, Trường Trung cấp Vạn Hạnh và Trung cấp Âu Lạc (Huế).
Cùng thời điểm năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết cũng được bán cho một nhóm nhà đầu tư mới với giá khoảng 60 tỷ đồng. Những nhà đầu tư này đều có chân trong hội đồng quản trị của ít nhất là một trường ĐH khác.
Trường ĐH mua lại rẻ hơn thành lập mới
Từ năm 2013 đến 2018, có đến hơn 10 trường ĐH được mua bán, trong đó năm 2013 là 3 trường, năm 2016 là 2 trường và năm 2018 là 3 trường.
Mua trường ĐH dễ hơn thành lập mới
Theo các chuyên gia, các điều kiện thành lập trường ĐH ngày càng siết chặt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc mua bán trường diễn ra nhiều hơn. Đó là chưa kể quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 của Chính phủ năm 2013 cũng nêu rõ không thành lập mới trường ĐH tại Hà Nội và TPHCM.
Chính lẽ đó, hầu hết các chủ đầu tư mới không mặn mà với việc thành lập mới vì các điều kiện về vốn, đất đai, đội ngũ, trong khi thời gian thành lập một trường ĐH cũng mất vài năm. Hơn nữa theo Nghị định 46 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục ban hành năm 2017, để mở một trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).
Như vậy, thực tế các trường ĐH được bán trong thời gian 5 năm trở lại đây dao động từ 100 đến hơn 500 tỉ đồng, vẫn thấp hơn nhiều so với vốn điều lệ bắt buộc khi thành lập mới. Chưa kể, các nhà đầu tư chọn phương án mua lại trường sẽ ít chi phí hơn, đi vào hoạt động ngay. Thậm chí như thương vụ nghìn tỷ của trường ĐH Hoa Sen nhắc ở trên vẫn là “rẻ” nếu so với nền tảng cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên đông, thương hiệu tốt mà trường này đang có.
Chuyện mua bán ĐH, lợi hay không?
Chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc mua bán, sáp nhập các trường đại học ngoài tư thục sôi động theo xu hướng các nhà đầu tư đã quan tâm tới việc đầu tư vào giáo dục là điều tốt. Hơn nữa, nhiều trường ngoài công lập hiện nay rất khó khăn, chủ yếu do sự thay đổi về thị hiếu của người học nên phải kéo nhà đầu tư vào. Khi các nhà đầu tư, đầu tư vào trường với mức cao, thì coi như nhà đầu tư này làm chủ nhà trường.
Ông Quân cũng cho rằng, cá nhân hay tập đoàn nào sở hữu các trường đại học không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề chính là khi đầu tư vào rồi họ làm thế nào, có bảo đảm được chất lượng, có trách nhiệm với trường hay không. Vấn đề ở đây là ông chủ của những trường này có chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào mà không quan tâm tới chất lượng hay không. Do vậy khi họ đầu tư vào thì xem xét họ xây dựng trường thế nào, tổ chức ra sao, còn trong quá trình chuyển đổi có thể có chuyển này chuyện kia nhưng phải xem xét đích cuối cùng là chất lượng ra sao.
Sinh viên một trường ĐH tư ở TPHCM học ở môi trường được trang bị cơ sở vật chất khang trang
Trước những lo ngại các ông chủ thường chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào mà không quan tâm tới chất lượng, TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cũng nhìn nhận: “Chất lượng giáo dục và cả chất lượng quản trị đều phụ thuộc vào ông chủ, điều này đúng với tất cả hàng hoá nói chung, và cả hàng hoá dịch vụ và giáo dục nói riêng”.
“Trong các ngành kinh tế chỉ có ngành liên quan đến tài nguyên mới có thể siêu lợi nhuận do khai thác tài nguyên thiên nhiên còn trong các ngành dịch vụ và sản xuất nói chung, rất khó có chuyện không có chất lượng mà doanh nghiệp, tổ chức có thể tồn tại được. Vẫn biết rằng thị trường là có hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng đó không phải là bản chất của thị trường.
Hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ dần bị đào thải. Trường đại học cũng vậy, nếu kém chất lượng sẽ bị đào thải nhanh hơn rất nhiều. Vì vậy, chất lượng không đồng nhất với lợi nhuận thấp và ngược lại kém chất lượng thì lợi nhuận cao. Thực tế cho thấy các đơn vị càng có chất lượng thì có tiềm lực tài chính, lợi nhuận càng tốt”, ông Minh chia sẻ.
Nhìn nhận một cách tích cực, ông Minh cho rằng “trường đại học xét cho cùng cũng phải cạnh tranh, cả trong nước và quốc tế. Vậy nên, vấn đề là xã hội, chính phủ phải tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng thì các trường tốt sẽ phát triển được, các trường kém hơn sẽ lùi bước. Hiện nay đã có nhiều trường đại học tư rất có uy tín và cạnh tranh sòng phẳng với các trường đại học công lập tốt nhất và có truyền thống lâu đời. Nhiều trường đại học tư thục thậm chí còn tiên phong nhanh hơn các trường công trong nhiều lĩnh vực như việc tuyển sinh viên quốc tế hay mở rộng đào tạo ra nước ngoài”.
Như vậy, nếu nói như vị tiến sĩ này, việc đầu tư hay nói nôm na là mua bán trường ĐH hiện nay đang tích cực nhiều hơn tiêu cực. Đây là cơ hội để các trường ĐH tư phát triển tốt hơn cái đang có. Đồng nghĩa, sự cân bằng giữa hệ thống giáo dục ĐH công tư cũng thúc đẩy giáo dục ĐH chung bước lên một tầm cao mới.
Theo Dân trí.