(BĐT) - Hơn hai năm qua, rất nhiều chính sách, nhiều giải pháp đã được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước phát triển, đem lại nhiều kết quả tích cực trong phát triển DN. 
Thông tin từ họp báo Chính phủ tháng 9/2018 cho biết, hiện có 6.191 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt trên 30% so với yêu cầu
Thông tin từ họp báo Chính phủ tháng 9/2018 cho biết, hiện có 6.191 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt trên 30% so với yêu cầu

Tuy nhiên, sẽ còn cần thêm thời gian, thêm giám sát và cả chế tài nghiêm khắc hơn để những quyết sách được thực thi hiệu quả, vừa gỡ bỏ thực sự các rào cản vừa hình thành bệ phóng mới cho khu vực DN trong thời gian tới.

Nhiều chuyển biến

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính đã chỉ đạo quyết liệt và đưa ra các giải pháp đúng đắn, kịp thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển trong giai đoạn 2016 - 2018, điển hình là việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP hàng năm, Nghị quyết số 35/NQ-CP tháo gỡ các rào cản cho DN. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo quyết liệt để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính (TTHC) để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị để cải cách môi trường kinh doanh như: Chỉ thị tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; Chỉ thị về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Báo cáo Đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (APCI 2018) lần đầu tiên được Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ công bố cho thấy nhiều TTHC đã được đơn giản hơn. Đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm TTHC thuế với thời gian thực hiện trung bình của DN cho một thủ tục trong nhóm thủ tục này là 2,9 giờ làm việc. Đây là một trong những nhóm thủ tục được Ngân hàng Thế giới (WB) vinh danh trong Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh 2018 khi tăng gần 15/100 điểm so với năm 2017 (từ 57,99 lên 72,77 điểm).

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện là một trong những nhân tố quan trọng để tạo đà phát triển, tăng trưởng bền vững, sẽ có tác động rõ rệt vào các năm tiếp theo.

Thực tế cho thấy, trong hai năm 2016 - 2017, tình hình DN thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng DN và số vốn đăng ký. Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến tình hình đăng ký DN trong cả năm 2018 tiếp tục có được ảnh hưởng tích cực từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua cải cách TTHC, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, sự gia tăng tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường trong bối cảnh hội nhập và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần tạo áp lực đối với DN trong nước, từ đó tác động đến tình hình đăng ký DN. Dự báo cả năm 2018 số lượng DN thành lập mới sẽ tiếp tục tăng so với năm 2017. 

Tiếp tục gỡ rào cản một cách thực chất


Người đừng đầu Chính phủ dẫn chứng sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những DN lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế.
Mặc dù môi trường kinh doanh cải thiện hơn, nhưng theo phản ánh từ nhiều hiệp hội DN, DN tư nhân vẫn đang đối diện với những rào cản phát triển, vẫn chưa thực sự được cởi trói để lớn mạnh. Đặc biệt là các rào cản cố hữu về tiếp cận vốn tín dụng chính thức, đất đai, chi phí cơ sở hạ tầng logistics, chi phí hải quan… vẫn chưa được gỡ bỏ nhiều.


Tại họp báo Chính phủ tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện tốt nhưng cần làm tốt hơn. Hiện có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục. Hiện có tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt trên 30% so với yêu cầu. Như vậy, còn phải cố gắng nhiều.

Số lượng DN đăng ký tăng, nhưng môi trường kinh doanh có nuôi dưỡng, tạo động lực cho DN tồn tại, phát triển hay không, đó còn là vấn đề rất lớn. Thực tế số DN giải thể, ngừng hoạt động cho thấy còn có khoảng cách giữa những kết quả và mục tiêu đặt ra, phạm vi cải cách còn hẹp hoặc chưa có tác động thực chất. “Thông điệp của Chính phủ như vậy cũng là rõ và đủ rồi, giờ cần có hành động cụ thể. Hành động này phải đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá”, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh.

Việc vẫn còn tồn tại những điều kiện kinh doanh không hợp lý cùng thủ tục hành chính rườm rà là gánh nặng của các DN, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, hội nhập, giảm sức cạnh tranh của DN Việt trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ, hàng hóa của các nước ASEAN đang tràn vào Việt Nam.

TS. Nguyễn Việt Cường - Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Chính sách gia tăng tổng cung cần được tập trung với quyết tâm lớn”. Đi theo định hướng này, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN cần được coi là một ưu tiên chính sách. Theo đó, “việc tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận và/hoặc tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước là rất cần thiết nhằm tiết giảm chi phí của DN và đóng góp vào chính sách gia tăng tổng cung”, TS. Cường chia sẻ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN Việt trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra thực tế đến nay Việt Nam tuy đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng xét về độ sâu thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo các thống kê, hiện mới chỉ có khoảng 21% DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN.

Rõ ràng, sẽ còn nhiều việc phải làm, không chỉ để đạt các mục tiêu về số lượng cải cách TTHC đã đề ra hay tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng,… mà phải giúp cho môi trường kinh doanh, thể chế, chính sách là bệ phóng, là động lực cho DN phát triển. Bởi thách thức là nhãn tiền và tiềm năng, cơ hội cũng rất rõ ràng đối với DN trong thời gian tới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành cùng DN. Thế nhưng, DN cũng phải tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động, theo đuổi các giá trị và tầm nhìn dài hạn.

Người đừng đầu Chính phủ dẫn chứng sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những DN lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế. Với sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng DN trong nước, khi những quyết sách, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng đi vào thực tế, có quyền hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam hùng mạnh, những DN nhỏ và vừa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, hay ghi danh trên thị trường thế giới…