Thu về gần 100 tỷ USD doanh thu, Huawei cũng chi ra khoảng 14 tỷ USD để mua linh kiện từ những nhà cung ứng nước ngoài.

Gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES hồi tháng 6 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES hồi tháng 6 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Được thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), Huawei hiện là hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là hãng sản xuất smartphone lớn nhì toàn cầu, với 180.000 nhân viên. Tuy vậy, không như các đại gia công nghệ Trung Quốc khác, Huawei chủ yếu hoạt động ở thị trường nước ngoài. 

Năm 2017, Huawei báo cáo doanh thu khoảng 603,62 tỷ nhân dân tệ (tương đương 87,4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại), cách không xa so với quy mô doanh thu của Microsoft hay Alphabet - công ty mẹ của Google, mặc dù ít hơn một nửa so với Apple. Tuy nhiên, con số này đủ để tạo khoảng cách với hai đối thủ lớn nhất của Huawei trong lĩnh vực thiết bị viễn thông là Nokia và Ericsson với doanh thu ròng lần lượt là 23,1 tỷ euro (khoảng 26 tỷ USD) và 201,3 tỷ krona (22,2 tỷ USD).

Để đem lại con số doanh thu như vậy, Huawei cũng chi ra khoảng 14 tỷ USD cho việc mua các linh kiện bán dẫn từ các nhà cung cấp bên ngoài. Tuy nhiên điều này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ để lại một lỗ hổng rủi ro lớn nếu tình hình căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong một bản danh sách dài các nhà cung cấp chính cho Huawei, ngoài những cái tên từ Trung Quốc, vẫn còn nhiều công ty đa quốc gia khác. Trong đó có thể kể đến các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ như Broadcom, Qualcomm, cung ứng màn hình từ Japan Display hay nhà cung cấp chip nhớ Hàn Quốc SK Hynix.

Phần lớn trong số 14 tỷ USD được Huawei chi ra để mua linh kiện từ các công ty của Mỹ, với 1,8 tỷ USD cho Qualcomm và 700 triệu USD cho Intel, theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc.

Huawei cũng chi ra khoảng 500 tỷ yen (tương đương 4,41 tỷ USD) trong năm 2017 để mua sắm linh kiện từ các công ty Nhật Bản và cho biết có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng mua từ một số nhà cung cấp vào năm 2020.

Tuy nhiên triển vọng kinh doanh suy yếu do các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng này.

Ngày 7/12, Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei, đã bị Tòa án tối cao của Canada cáo buộc "âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính" và có thể phải ngồi tù trên 30 năm nếu bị kết tội và dẫn độ về Mỹ. Mạnh Vãn Chu bị nghi ngờ nói dối một ngân hàng tại Mỹ, nhằm sử dụng công ty con SkyCom để bán nhiều thiết bị máy tính cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran.

Edison Lee – nhà phân tích tại Jefferies cảnh báo Huawei có thể bị giáng đòn như đối thủ ZTE. Hồi tháng 4, Mỹ cấm các công ty trong nước bán hàng cho ZTE, vì công ty này vi phạm lệnh trừng phạt lên Iran và việc này có thể đẩy ZTE đến bờ vực sụp đổ. Nếu Mỹ cũng phạt Huawei vì bán hàng của Mỹ sang Iran, họ "có thể ngay lập tức áp lệnh cấm xuất khẩu". "Chúng tôi cho rằng hậu quả từ lệnh cấm của Mỹ với Huawei cũng sẽ tương tự với ZTE. Tức là khiến việc kinh doanh bị đình trệ", ông giải thích.

Nhưng với chuỗi cung ứng rộng lớn, không chỉ Huawei phải đối mặt với những lệnh trừng phạt khắt khe từ Mỹ mà còn khiến tác động của quyết định này vượt xa phạm vi của đại gia công nghệ Trung Quốc.

Huawei có quy mô lớn hơn nhiều ZTE, với doanh thu gấp khoảng 5 lần. Đại gia công nghệ của Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 5% doanh thu của Qualcomm.

Cổ phiếu của TDK và SK Hynix đã giảm khoảng 10% sau tin tức về vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou). Hai công ty này là đối tác cung ứng pin và chip nhớ cho điện thoại thông minh của Huawei, với quy mô đơn hàng tương đương khoảng vài phần trăm doanh thu.

Không chỉ có những tác động trực tiếp, những đòn trả đũa liên tục được đưa ra cũng khiến khủng hoảng tại Huawei không dừng ở phạm vi một công ty. Trong khi một số quốc gia đã theo chân Mỹ cấm Huawei tham gia vào thị trường nội địa do lo ngại an ninh quốc gia thì một số công ty Trung Quốc cũng ra đòn trả đũa các doanh nghiệp Mỹ. Một số tập đoàn lớn đã thúc giục nhân viên tẩy chay các sản phẩm của Apple và thay vào đó là mua sản phẩm từ Huawei thay thế.