ĐIỂM LẠI

Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam

Chuyên đề đặc biệt

Tạo thuận lợi thương mại bằng cách hợp lý hóa và cải thiện tính minh bạch của các biện pháp phi thuế quan

TỔNG QUAN

Những diễn biến kinh tế gần đây

Môi trường bên ngoài đã trở nên kém lạc quan và bất định hơn. Tăng trưởng GDP toàn cầu theo giá so sánh dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 3% theo dự báo cho năm 2018 xuống 2,9% cho năm 2019 và 2,8% cho năm 2020 do tác động của các hoạt động kinh tế bị chững lại, các ngân hàng trung ương rút dần chính sách tạo thuận lợi, tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm khi căng thẳng gia tăng trong cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Sau khi đạt đỉnh 6,6% vào năm 2017, tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 6,3% theo dự báo cho năm 2018 xuống 6,0% cho cả hai năm 2019 và 2020, chủ yếu do giảm xuất khẩu trong điều kiện căng thẳng thương mại tăng lên và đà phát triển kinh tế của Trung Quốc chững lại.

Mặc dù điều kiện bên ngoài không thuận lợi như trước nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn đứng vững với sự hỗ trợ bởi sức cầu mạnh trong nước kết hợp với sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam vẫn giữ mốc 7% (so cùng kỳ năm trước) đến tận Quý 3, 2018. Các ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,9%, nhờ thành tích tăng trưởng sáng lạng ở mức 12,9% trong các ngành chế tạo, chế biến. Bên cạnh đó là mức tăng trưởng 3,7% trong ngành nông nghiệp nhờ sức cầu bên ngoài tuy giảm đà nhưng vẫn ở mức cao. Ngành dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,9% do du lịch và tiêu dùng tư nhân vẫn phát triển tốt. Sức cầu trong nước vẫn mạnh, được phản ánh qua đầu tư và tiêu dùng tư nhân tiếp tục đứng vững và được sự tiếp sức bởi mức lương cao hơn, chính sách tiền tệ tạo thuận lợi và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đổ vào mạnh mẽ.

Mặc dù các cán cân kinh tế đối ngoại vẫn thặng dư nhưng các thị trường trong nước bắt đầu cảm nhận tác động lan tỏa do biến động tài chính toàn cầu tăng lên trong nửa cuối năm 2018. Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến vẫn được duy trì ở mức 2,2% GDP trong năm 2018, tương đương năm 2017. Lưu lượng thương mại tuy chững lại, nhưng tăng trưởng nhập khẩu giảm với tốc độ lớn hơn so với xuất khẩu. Đồng nội tệ bắt đầu phải chịu áp lực từ tháng 6/2018 do căng thẳng thương mại toàn cầu tăng lên và các đồng tiền trên toàn Châu Á yếu đi, dòng tiền thoái vốn tăng lên. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ứng phó bằng cách cho phép đồng nội tệ hạ giá từng bước, giảm khoảng 2,7% so với đồng đô-la Mỹ theo tỷ giá danh nghĩa (tính từ đầu năm). Mặc dù vậy, tỷ giá thực đa phương (REER) tiếp tục tăng lên đến khoảng 2,5% (tính từ đầu năm), có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy ít phải chịu nguy cơ về biến động dòng vốn khiến cho tác động lan tỏa tức thời của biến động toàn cầu chỉ ở mức hạn chế, nhưng Việt Nam cũng đã trải qua một số xáo trộn khi thị trường chứng khoán điều chỉnh tới 10% vào tháng 10.

Chính sách tiền tệ vẫn theo hướng tạo thuận lợi, nhưng điều kiện tín dụng đã bị thắt lại trong nửa sau năm 2018 trong điều kiện lạm phát tăng nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng nhích dần trong năm 2018 đến tháng 10, chủ yếu do tăng giá thuộc diện nhà nước quản lý, nhưng vẫn ở mức vừa phải là 3,6% (so cùng kỳ năm trước). NHNN đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của khu vực ngân hàng và đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Lãi suất liên ngân hàng tăng lên và đến nay đã song hành với lãi suất chiết khấu. Kết quả là tăng trưởng tín dụng của năm tính đến tháng 10 hạ nhiệt còn bình quân 15% (so cùng kỳ năm trước), từ mức 18.6% cùng kỳ năm 2017. Nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP vẫn cao, ở mức 136% trong Quý 3, 2018.

Bội chi ngân sách giảm xuống giúp kiềm chế nợ công tăng lên. Theo số liệu sơ bộ đến Quý 3, 2018, bội chi ngân sách dự kiến rơi vào khoảng 4% GDP trong năm 2018, thấp hơn so với mức 4,3% năm 2017. Duy trì chính sách tài khóa kiềm chế và hạn chế cấp bảo lãnh của nhà nước cũng là cách để đảm bảo tuân thủ với hạn mức nợ công theo luật định là 65% GDP.

Hoạt động kinh tế khởi sắc hơn đã tiếp sức tạo việc làm và tăng lương thực tế. Mức lương thực tế tăng 3,2% trong nửa đầu năm 2018 (so cùng kỳ năm trước). Số liệu thất nghiệp theo báo cáo chính thức vẫn được giữ nguyên ở mức 2,2% đến Quý 3, 2018, ngang bằng so với 2017, còn tỷ lệ khiếm dụng lao động giảm nhẹ xuống 1,5% trong cùng kỳ, so với 1,6% năm 2017.

Tuy đã có những tiến triển về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo Môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2019 lại bị rớt xuống thứ 69 trên 190 nền kinh tế, so với thứ 68 vào năm ngoái.

Điều này cho thấy nhu cầu phải bắt kịp với tiến độ cải cách ở các quốc gia khác để duy trì năng lực cạnh tranh. Nhưng dù sao, Việt Nam cũng đã có những cải thiện cụ thể trong một số nội dung, như thành lập doanh nghiệp.

Triển vọng kinh tế trung hạn, rủi ro và hàm ý chính sách

Triển vọng của Việt Nam vẫn vững cho dù phải đối mặt với ngày càng nhiều trở ngại bên ngoài. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức gần 6,8% trong năm 2018, trước khi giảm dần xuống lần lượt còn 6,6% và 6,5% trong các năm 2019 và 2020, chủ yếu do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát dự kiến vẫn không đáng kể, xoay quanh chỉ tiêu 4% của NHNN trong điều kiện chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được thắt lại trong trung hạn. Tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư nhưng sẽ giảm nhẹ do xuất khẩu tăng chậm lại. Nhìn về trung hạn, chính sách tài khóa kiềm chế được duy trì theo dự kiến sẽ khiến cho bội chi tiếp tục giảm xuống theo các cam kết của Chính phủ.

Rủi ro đối với triển vọng trên đang dần tích tụ và nghiêng theo hướng xấu đi. Nhìn từ trong nước, công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể làm suy giảm viễn cảnh tăng trưởng và làm tăng nghĩa vụ cho khu vực công. Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài do thương mại đã được mở cửa mạnh mẽ trong khi dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn hạn chế. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sức cầu bên ngoài giảm xuống có thể làm cho vị thế kinh tế đối ngoại yếu đi và tăng trưởng GDP giảm xuống. Thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư đang đổ vào, đồng thời gây áp lực đối với đồng nội tệ và giá trị tài sản.


Bảng O.1: Việt Nam: Một số chỉ số kinh tế

 

2015

2016

Ước 2017

Dự  báo 2018

Dự báo 2019

Dự báo 2020

Tăng trưởng GDP (%)

6,7

6,2

6,8

6,8

6,6

6,5

Chỉ số giá tiêu dùng (bình quân năm, %)

0,6

2,7

3,5

4,0

4,0

4,0

Cân đối tài khoản vãng lai (% GDP)

0,1

2,9

2,2

2,2

2,1

1,9

Cân đối tài khóa (% GDP)1

-5,5

-4,8

-4,3

-4,0

-4,0

-4,0

Nợ công (% GDP theo Bộ Tài chính)

61,8

63,7

61,4

61,5

61,5

61,4

Tăng cường khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh là hướng đi để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ thích ứng và tỷ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải để củng cố khung chính sách vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, kết hợp với cải thiện hiệu suất đầu tư công là cách để nâng cao năng suất và sản lượng tiềm năng. Các chính sách nhằm đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các hiệp định vừa được thông qua như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (tham khảo phần Chuyên đề đặc biệt).

Biện pháp phi thuế quan (NTM) theo định nghĩa là các biện pháp chính sách có thể gây ảnh hưởng kinh tế đối với thương mại hàng hóa, nghĩa là làm thay đổi lưu lượng giao dịch, giá cả hoặc cả hai. Đó là các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ. Mặc dù về nguyên tắc, các biện pháp đó được thiết kế nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể như an toàn thực phẩm hay bảo vệ người tiêu dùng, nhưng có thể được dùng thay cho thuế quan để bảo hộ nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Khi các biện pháp phi thuế quan được thiết kế và triển khai không tốt, chúng làm tăng chi phí kinh doanh, giảm minh bạch và hạn chế năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tại Việt Nam, mặc dù thuế quan đã và đang bị cắt giảm theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng lên nhanh chóng. Thuế quan ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,11% năm 2003 xuống 6,33% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan tăng nhanh từ 15 biện pháp năm 2004 lên đến 330 biện pháp năm 20152. Hơn nữa, các biện pháp phi thuế quan lại không được xác định hoặc phân loại thống nhất và nhất quán theo các chuẩn mực quốc tế, mục tiêu chính sách trong đó thường chồng chéo và không rõ ràng. Sự tồn tại của nhiều cơ sở dữ liệu về các biện pháp phi thuế quan, trong đó thông tin quản lý nhà nước được tổng hợp từ nhiều nguồn, có thể dẫn đến thông tin không nhất quán và thiếu phối hợp giữa các cơ quan trong công bố và cập nhật thông tin, dẫn đến thiếu minh bạch và làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh.

Cho dù đã nỗ lực cải thiện trong những năm qua, như xây dựng Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam, nhưng hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn phức tạp, thiếu rõ ràng và gây tốn kém. Điều này được phản ánh qua các khía cạnh sau: (a) mức độ hiện diện của các biện pháp phi thuế quan ở Việt Nam cao hơn so với hầu hết các quốc gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); (b) hệ thống các biện pháp phi thuế quan hiện nay rất phức tạp, bao gồm rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ, thủ tục cần triển khai, biểu mẫu cần hoàn thành; (c) các văn bản pháp luật cho từng mặt hàng xuất và nhập khẩu được ban hành bởi các cơ quan khác nhau còn chồng chéo; và (d) thủ tục triển khai còn phức tạp và thiếu phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Các nội dung cải cách nhằm đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan và cải thiện minh bạch bao gồm: (a) ban hành hướng dẫn và định nghĩa các biện pháp phi thuế quan theo thông lệ quốc tế, xác định rõ ràng mục tiêu chính sách của các biện pháp phi thuế quan liên quan đến thị trường mà các biện pháp đó nhằm đến; (b) chính thức ban hành và áp dụng hệ thống phân loại UNCTAD-MAST (Nhóm hỗ trợ liên ngành); và (c) ban hành quy định và sử dụng Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam (VTIP) làm nguồn thông tin chính về các biện pháp phi thuế quan theo quy định tại Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời thiết lập cơ chế liên ngành để điều phối hoạt động, trong đó xác định các đầu mối tại các cơ quan kiểm tra chuyên ngành để thường xuyên cập nhật cổng thông tin VTIP.


Xem báo cáo đầy đủ tại đây