Trong quá trình sản xuất, nhờ khoa học phát triển, nhiều loại máy móc thiết bị được chế tạo với những tính năng kỹ thuật cao đã làm cho phạm vi thay thế của máy móc thiết bị cho sức lao động của con người tăng lên. Điều đó làm cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được cải thiện quá trình sản xuất được diễn ra nhanh chóng. Vì vậy nhu cầu thẩm định giá máy móc thiết bị phục vụ nhiều mục đích cho các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, cá nhân như: vay vốn ngân hàng, liên kết; góp vốn đầu tư, thanh lý tài sản, mua sắm mới…. là vô cùng cần thiết và quan trọng. Hiện nay có rất nhiều cách tiếp cận thẩm định giá máy móc thiết bị như: Cách tiếp cận thị trường: Phương pháp so sánh; Cách tiếp cận chi phí: Phương pháp chi phí tái tạo, chi phí sản xuất; Cách tiếp cận từ thu nhập:vphương pháp vốn hóa trực tiếp, phương pháp dòng tiền chiết khấu. Tuy nhiên phương pháp thẩm định giá máy móc thiết bị phổ biến nhất hiện nay là phương pháp so sánh.
1. Khái niệm thẩm định giá máy móc thiết bị bằng phương pháp so sánh
Thẩm giá máy móc thiết bị bằng phương pháp so sánh là phương pháp thẩm định giá, xác định giá trị của máy móc thiết bị thẩm định giá dự trên cơ sở phân tích mức giá của các máy móc thiết bị so sánh để ước tính, xác định giá trị của máy, thiết bị thẩm định giá. Phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận thị trường “Cách tiếp cận thị trường là cách thức xác định giá trị của máy, thiết bị thẩm định giá thông qua việc so sánh máy móc thiết bị thẩm định giá với máy móc thiết bị giống hệt hoặc tương tự đã có các thông tin về giá trên thị trường”.
Phương pháp so sánh thường được áp dụng để thẩm định giá các máy móc thiết bị thẩm định giá có giao dịch phổ biến trên thị trường “Giao dịch phổ biến trên thị trường là hoạt động mua bán máy móc thiết bị được tiến hành công khai trên thị trường. Có ít nhất 3 máy tương tự có giao dịch mua bán trên thị trường thì được xác định gọi là giao dịch phổ biến.
2. Các bước tiến hành
Thẩm định giá máy móc thiết bị bằng phương pháp so sánh cần phải tuân thủ các bước theo quy trình thẩm định giá tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 như sau:
Bước 1: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
Bước 2: Lập kế hoạch thẩm định giá.
Bước 3: Khảo sát hiện trường, thu thập thông tin.
Bước 4: Phân tích thông tin.
Bước 5: Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
Bước 6: Lập báo cáo và chứng thư kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.
Trong thẩm định giá máy, thiết bị thẩm định viên cần chú trọng tìm hiểu thị trường để có thông tin chính xác về giá giao dịch, giá niêm yết, giá chào bán và các yếu tố so sánh của những máy móc thiết bị tương tự với máy móc thiết bị cần thẩm định giá đã giao dịch thành công hoặc đang mua bán trên thị trường.
Thẩm định viên cần phải thu thập, kiểm tra thông tin, số liệu về các yếu tố so sánh từ các máy móc thiết bị cùng loại hoặc tương tự có thể so sánh được với máy, thiết bị cần thẩm định giá đã giao dịch thành công hoặc đang mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá hoặc gần với thời điểm thẩm định giá.
Thẩm định viên cần phân tích, xác định các yếu tố khác biệt giữa máy, thiết bị so sánh và máy thiết bị cần thẩm định giá từ đó thực hiện điều chỉnh giá của máy, thiết bị so sánh theo sự khác biệt về các yếu tố so sánh so với máy thiết bị cần thẩm định giá, tìm ra mức giá chỉ dẫn cho mỗi thiết bị so sánh.
Phân tích tổng hợp các mức giá chỉ dẫn của các máy móc thiết bị so sánh, đưa ra mức giá chỉ dẫn đại diện để ước tính và xác định mức giá của máy, thiết bị cần thẩm định giá.
3. Các yếu tố so sánh áp dụng đối với máy móc thiết bị
- Các thông số kinh tế – kỹ thuật chủ yếu của máy móc thiết bị: Đối với máy móc thiết bị cần chú ý các thông số cơ bản: cấu tạo áy, thiết bị, công suất, năng suất, kích thước, model, mức tiêu hao nhiên liệu, nước sản xuất, năm sản xuất, năm đưa vào sử dụng, chế độ bảo hành, linh kiện thay thế.
- Điều kiện thanh toán và dịch vụ kèm theo như chế độ bảo trì, bảo dưỡng, lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, lắp ráp, thiết bị thay thế kèm theo,..
4. Yêu cầu khi khảo sát thực tế, thu thập thông tin về máy, thiết bị so sánh.
a, Thông tin thu thập từ các giao dịch thành công trên thị trường
- Các giao dịch thành công trên thị trường bên mua, bên bán có khả năng tiếp cận thông tin về máy móc thiết bị như nhau, thỏa thuận mua bán đúng theo pháp luật trên tinh thần tự nguyện không chịu sức ép từ bên ngoài.
- Thu thập thông tin đảm bảo tính khách quan, chính xác đúng theo thực tế các giao dịch máy móc thiết bị và dựa trên bằng chứng; dẫn chứng cụ thể để chứng minh đã thành công trên thị trường (các chỉ dẫn thông thường hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ mua bán
- Đối với thông tin về máy móc thiết bị giao dịch thành công qua nguồn khảo sát thu thập như điện thoại, internet, phương tiện truyền thông, khảo sát thực tế… thẩm định viên cần phải đánh giá, kiểm chứng nguồn thông tin đó trước khi đưa vào báo cáo thẩm định phân tích.
b, Máy móc thiết bị được chào bán; chào mua giao dịch thành công và chưa thành công thẩm định viên cần phải thu thập thông tin, so sánh giữa mức giá chào mua với giá thị trường để điều chỉnh và tìm ra mức giá phù hợp trước khi sử dụng làm mức giá so sánh.
Các doanh nghiệp thẩm định giá; Thẩm định viên luôn phải lưu giữ các bằng chứng về máy móc thiết bị trong hồ sơ thẩm định giá để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định giá khi cần thiết hoặc phục vụ việc xử lý tranh chấp về kết quả thẩm định giá.
5. Yêu cầu phân tích thông tin
Phân tích thông tin so sánh dể đưa ra những điểm tương tự và những điểm khác biệt, những lợi thế và điểm bất lợi của máy móc thiết bị thẩm định giá với máy móc thiết bị so sánh. Việc phân tích được thực hiện trên 2 hình thức:
- Phân tích định lượng: bao gồm phân tích theo cặp, phân tích thống kê, phân tích hồi qui, phân tích chi phí…tìm ra mức điều chỉnh là số hoặc tỷ lệ %
- Phân tích định tính (phân tích theo chất lượng) bao gồm phân tích so sánh tương quan, phân tích xếp hạng và phỏng vấn các bên liên quan.
6. Xác định mức giá chỉ dẫn của máy móc thiết bị so sánh
Mức giá chỉ dẫn của máy móc thiết bị so sánh được xác định trên cơ sở mức giá của các máy móc thiết bị so sánh sau khi điều chỉnh chênh lệch do khác biệt về các yếu tố so sánh. Phân tích, so sánh rút ra những điểm tương tự và những điểm khác biệt, những ưu điểm và bất lợi của máy móc thiết bị thẩm định giá với máy móc thiết bị so sánh. Việc phân tích, so sánh thực hiện đối với các yếu tố so sánh định lượng (có thể lượng hóa thành tiền) trước, các yếu tố so sanh định tính (không thể lượng hóa thành tiền) sau.
7. Xác định mức giá của máy móc thiết bị thẩm định giá thông qua mức giá chỉ dẫn của máy móc thiết bị so sánh.
Trên cơ sở mức giá chỉ dẫn của máy, thiết bị so sánh, thẩm định viên cần phân tích chất lượng thông tin của các máy, thiết bị so sánh, sau đó kết hợp phân tích thêm những tiêu chí sau để xác định giá trị ước tính cuối cùng cho máy, thiết bị thẩm định giá.
- Tổng giá trị điều chỉnh gộp nhỏ nhất (tổng giá trị tuyệt đối của các điều chỉnh nhỏ nhất
- Tổng số lần điều chỉnh càng ít càng tốt
- Biên độ điều chỉnh của một số yếu tố so sánh càng nhỏ càng tốt
- Tổng các giá trị điều chỉnh thuần nhỏ nhất
Để thẩm định giá máy móc thiết bị theo phương pháp so sánh một cách chính xác nhất ngoài thông tin so sánh trên thị trường thì khâu khảo sát thực tế có vai trò đặc biệt quan trọng. Khảo sát thực tế máy móc thiết bị giúp thẩm định viên có cái nhìn tổng quan cấu tạo máy móc chi tiết, khả năng làm việc máy móc và đánh giá được tỷ lệ khấu hao của máy móc thiết bị. Từ đó thẩm định viên căn cứ vào bảng mô tả khoảng mức chất lượng của thiết bị công nghệ số 57/1999/QĐ –TĐC ngày 11 tháng 03 năm 1999 và tiêu chuẩn số 09 kèm theo thông tư số: 126/2015/TT-BTC ngày 20 tháng 08 năm 2015 của Bộ Tài Chính để đánh giá chất lượng còn lại của từng bộ phận và chất lượng của toàn bộ máy móc thiết bị.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển vô cùng mạnh mẽ và từng bước hội nhập với kinh tế quốc tế thì ngành công nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan quan trọng trong sự phát trển đó. Vì vậy máy móc thiết bị hiện đại đang được ứng dụng tích cực vào sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.