Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam riêng tháng 9/2018 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 225 triệu USD, tăng 62,6% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với tháng 9/2017.

Bộ Công thương cho biết, tháng 9/2018, giá cà phê trong nước sau khi giảm trong 20 ngày đầu tháng đã tăng trở lại trong 10 ngày cuối tháng, nhưng vẫn thấp hơn so với mức giá giao dịch cuối tháng trước.

Ngày 28/9/2018, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước tăng từ 0,3 – 1,6% so với ngày 20/9/2018, nhưng vẫn giảm từ 0,3 – 1,5% so với ngày 30/8/2018. Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước có mức thấp nhất là 32.300 đồng/kg tại huyện Di Linh, Lâm Đồng, mức cao nhất là 33.100 đồng/kg tại các huyện Cư M’gar và Eo H’leo, Đắk Lắk.

Tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 34.200 đồng/kg, giảm 1,4% so với ngày 31/8/2018, nhưng tăng 1,8% so với ngày 20/9/2018. Lũy kế 9 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 2,76 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với 9 tháng năm 2017.

Tháng 9/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.731 USD/tấn, giảm 6,0% so với tháng 8/2018 và giảm 25,8% so với tháng 9/2017. Lũy kế 9 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.897 USD/tấn, giảm 16,4% so với 9 tháng năm 2017.

Được biết, trong tháng 8/2018, cà phê Robusta chiếm tới 93,5% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước với 136 nghìn tấn, trị giá 228,69 triệu USD, tăng 65,9% về lượng và tăng 29,8% về trị giá so với tháng 8/2017. Lũy kế 8 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,125 triệu tấn, trị giá 1,976 tỷ USD, tăng 24,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của Nga trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 95.555 tấn, trị giá 294,54 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 9,0% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2017.

Bộ công thương cho biết, nửa đầu năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Nga với lượng nhập khẩu tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ đó thị phần cà phê của Việt Nam tại Nga tăng từ 32,8% trong 6 tháng năm 2017, lên49,9%; Bra-xin là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 cho Nga với lượng nhập khẩu tăng 12,3% trong nửa đầu năm 2018, thị phần cà phê của Bra-xin tại Nga chiếm 18,3%; Nhập khẩu cà phê từ Ý tăng 8,1% và chiếm thị phần 6,1%; lượng nhập khẩu cà phê của Nga từ In-đô-nê-xi-a giảm mạnh, giảm 82,1% so với cùng kỳ năm 2017.

 Tùng Anh

Theo Trí thức trẻ